Doanh nghiệp nhỏ có cần tới chiến lược thương hiệu?
Thông tin tham khảo,Xây dựng thương hiệu
Chiến lược thương hiệu được biết tới là những định hướng, cách thức giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu một cách khoa học và hiệu quả. Nghe có vẻ to tát nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ những doanh nghiệp lớn mới cần tới chúng. Bài viết dưới đây của Sao Kim sẽ giúp bạn lý giải tại sao doanh nghiệp nhỏ cần đến chiến lược thương hiệu.
1. Những suy nghĩ sai lầm của doanh nghiệp nhỏ trước bài toán thương hiệu
Sai lầm đầu tiên mà rất nhiều doanh nghiệp nhỏ mắc phải chính là quan niệm chiến lược thương hiệu chỉ cần thiết đối với các doanh nghiệp lớn. Sự thật là doanh nghiệp càng mới lại càng cần phải có tư duy rõ ràng trong việc định hướng phát triển thương hiệu, bởi không phải khách hàng nào cũng tin tưởng lựa chọn sản phẩm của một “lính mới”. Doanh nghiệp muốn được khách hàng nhớ tới thì phải xây dựng được thương hiệu riêng, nhưng làm thương hiệu mà không có chiến lược cũng giống như con tàu loay hoay giữa biển mà không có la bàn.
Sai lầm thứ hai chính là tầm nhìn ngắn hạn của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc lên sơ đồ tổ chức nhân sự mà không định hình được tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược rõ ràng. Lý do bắt nguồn từ tâm lý chủ quan khi hoạt động kinh doanh mới đầu còn đơn giản, mức độ cạnh tranh chưa cao; doanh nghiệp chưa xác định đúng tầm quan trọng nên chỉ dành lượng kinh phí nhỏ cho hoạt động xây dựng thương hiệu.
Suy nghĩ ngắn hạn rằng cứ bán hàng sẽ có lãi, sản xuất những mặt hàng đang có nhu cầu cao ắt sẽ thành công và chỉ đầu tư vào một số thời điểm nhất định có thể giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận trước mắt nhưng không thể giúp bạn phát triển lâu dài.Trong thời đại số như hiện nay, suy nghĩ làm thương hiệu chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm đã không còn phù hợp, thay vào đó, doanh nghiệp cần xác định được cụ thể thị trường mục tiêu, thế mạnh, điểm khác biệt, phong cách riêng… phù hợp với nguồn lực của mình để dễ dàng tiếp cận với khách hàng.
Sai lầm thứ ba là doanh nghiệp nhỏ thường xây dựng chiến lược thương hiệu một cách cảm tính và thiếu sự phân tích kỹ lưỡng. Điều này bắt nguồn từ nhiều rào cản về kiến thức, sự hiểu biết định hướng chuẩn cho thương hiệu, chưa có sự đầu tư lớn về cả chuyên môn và chi phí truyền thông thương hiệu.
Trên thực tế, chiến lược thương hiệu đúng đắn cần được bắt nguồn từ mục tiêu thương hiệu, giá trị cốt lõi được thúc đẩy bởi các nguyên tắc khác biệt hoá và hình thành từ quá trình đánh giá các nguồn lực và nghiên cứu thị trường, đối thủ, khách hàng… Mọi hoạt động của doanh nghiệp từ khi ra đời đều phải được triển khai nhất quán theo chiến lược đã đề ra.
Sai lầm thứ tư mà doanh nghiệp mắc phải chính là đề ra chiến lược không phù hợp với nguồn lực của mình và không sát với thực tế. Nhiều doanh nghiệp ngại rủi ro nên đi theo định vị giống với số đông và sau đó chết yểu vì bị lãng quên. Nhiều doanh nghiệp lại cho rằng khác biệt là chiến thắng, song đôi khi vì mải tìm kiếm sự khác biệt, họ lại vô tình đẩy mình đi quá xa so với nhu cầu của người tiêu dùng và vượt quá cả khả năng của bản thân như nhân sự, ngân sách, đối tác… Tham vọng nhưng sai lầm trong xây dựng chiến lược cũng có thể đẩy doanh nghiệp tiền gần hơn với thất bại.
2. Doanh nghiệp nhỏ chết yểu vì thiếu chiến lược thương hiệu đúng đắn
Với các doanh nghiệp nhỏ, kinh nghiệm chinh chiến trên thương trường còn rất non nớt. Những câu hỏi mà bạn đặt ra vào thời điểm sơ khai của doanh nghiệp thường là chúng ta nên làm gì, làm thế nào, ở đâu, khi nào, với ai… Nếu không vạch ra một định hướng nhất định và giá trị cốt lõi, bạn sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng đi nhầm hướng, lúc thế này, lúc thế khác, thậm chí là hoảng loạn mất phương hướng. Điều đó có thể mang tới cảm nhận kém chuyên nghiệp về bạn trong suy nghĩ của công chúng.
Hãy cùng phân tích thất bại của Pay By Touch để nhìn thấy chiến lược sai lầm của Startup này. Với ý tưởng sử dụng dấu vân tay để thanh toán các hóa đơn, Pay By Touch đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nhưng cuối cùng lại tuyên bố phá sản. Thanh toán thông qua vân tay nghe qua có vẻ thú vị và mới mẻ, song khi áp dụng vào thực tế, Pay By Touch vẫn phải đối mặt với việc số đông khách hàng vẫn quen với việc sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để thanh toán thay vì chuyển sang công nghệ mới. Sai lầm của Startup này là đưa ra giải pháp cho một vấn đề không tồn tại, xa rời với nhu cầu thực tế. Chiến lược thương hiệu đã không được bắt nguồn từ việc nghiên cứu tâm lý khách hàng cũng như thị trường mục tiêu.
Gần hơn nữa là trường hợp của The Kafe. Sự sai lầm trong chiến lược của thương hiệu này xuất phát từ định vị không đủ sức cạnh tranh. Lợi thế không gian “độc – đẹp – sang chảnh” của The Kafe đã trở nên nhạt nhòa khi hàng trăm quán cà phê với vô số phong cách độc đáo nở rộ. Bản thân The Kafe có vẻ còn bối rối khi không rõ trọng tâm của mình là đồ ăn hay thức uống bởi cả 2 đều được quảng bá mạnh mẽ, trong khi tên thương hiệu chỉ khiến khách hàng liên tưởng tới cà phê. Đồ ăn của The Kafe cũng không được đánh giá cao vì không phù hợp với người Việt, thực đơn kết hợp Á – Âu, chủ yếu nhắm vào bữa trưa nhưng hầu như là những món ăn chơi như bánh ngọt, mì tươi, salad… Sự thiếu rõ ràng trong chiến lược phát triển thương hiệu trở thành chuỗi nhà hàng, chuỗi cà phê hay chuỗi nhà hàng – cà phê đã góp phần dẫn tới thất bại của thương hiệu này.
=>> Tham khảo thêm:Chiến lược để tiến đến thương hiệu “Top-of-Mind”
3. Lợi ích của doanh nghiệp nhỏ khi xây dựng chiến lược thương hiệu
Đối với các doanh nghiệp nhỏ vừa bước chân vào thị trường, chiến lược thương hiệu đóng vai trò như la bàn xác lập định hướng phát triển thương hiệu: theo hướng nào và bằng cách nào.
Trước hết, chiến lược đóng góp chính là giúp doanh nghiệp tập trung đi đúng hướng, suy nghĩ làm thế nào để đạt được mục tiêu cụ thể thay vì suy nghĩ và đầu tư dàn trải nhưng không hiệu quả. Chẳng hạn, với một doanh nghiệp kinh doanh trà sữa, chiến lược đề ra định vị trẻ trung, năng động, phù hợp với khách hàng ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Với chiến lược đó, bạn có thể loại bỏ khỏi đầu suy nghĩ làm thế nào để nhân viên văn phòng và người trung tuổi cũng yêu thích trà sữa của mình, đồng thời sáng tạo nhận diện thương hiệu với màu sắc tươi sáng, tìm tòi những công thức trà sữa phù hợp với nhu cầu của giới trẻ, lựa chọn các kênh truyền thông mà giới trẻ yêu thích như mạng xã hội, các trang báo mạng…
Thứ hai, chiến lược thương hiệu giúp tập trung nỗ lực của doanh nghiệp. Với hạn chế về mặt nhân sự, mỗi nhân viên thường phụ trách một lĩnh vực, một chuyên ngành riêng, nếu không được liên kết chặt chẽ, hiệu quả của những hoạt động riêng lẻ đó có thể không ăn khớp với nhau, dẫn tới hạn chế hiệu quả của toàn doanh nghiệp. Với chiến lược thương hiệu, nhiệm vụ của mỗi cá nhân sẽ trở nên rõ ràng và có mục tiêu chung để hướng tới, đồng thời được kết nối chặt chẽ, tạo ra sự nhất quán trong tổ chức và triển khai công việc. Các thành viên của doanh nghiệp sẽ biết mình phải làm gì và làm như thế nào để hỗ trợ lẫn nhau thay vì mỗi người một ý tưởng mâu thuẫn với nhau.
Thứ ba, chiến lược giúp các thành viên ý thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp. Chiến lược thương hiệu xác định được đặc điểm, chỉ rõ tính chất về sự tồn tại cũng như tiền đồ của doanh nghiệp, giúp các thành viên hiểu rõ ý nghĩa và sự khác biệt của doanh nghiệp. Chúng tạo ra một giá trị khác biệt và một ý nghĩa riêng về sự hiện diện của doanh nghiệp đối với các thành viên và với cả thị trường, để từ đó họ ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng thương hiệu.
4. Cần xây dựng chiến lược thương hiệu như thế nào?
Mọi Startup và doanh nghiệp nhỏ đều nên xây dựng danh tiếng ngay từ khi bắt đầu, và chiến lược thương hiệu là điều đầu tiên doanh nghiệp cần nghĩ tới. Để xây dựng được chiến lược thương hiệu đúng đắn, doanh nghiệp cần trải qua các bước cơ bản:
Trước hết, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu của thương hiệu. Đó chính là mong muốn khách hàng nói gì về mình và nhớ tới mình như thế nào. Ví dụ: Foody khi mới thành lập đặt mục tiêu muốn được khách hàng nhớ tới như cuốn “từ điển sống” lưu giữ mọi thông tin về các địa điểm ăn uống…
Khi đã xác định được mục tiêu, doanh nghiệp cần xác định được USP (Unique Selling Point) – đặc điểm bán hàng độc nhất hoặc điểm nổi bật nhất mà thương hiệu sở hữu. Doanh nghiệp cần hiểu thế mạnh của mình so với đối thủ là gì và điểm khác biệt đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mục tiêu hay không.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần đánh giá các nguồn lực bao gồm nhân sự, tài chính, kỹ thuật – công nghệ, khách hàng trung thành, đối tác… Với nhân sự hạn hẹp, liệu các thành viên của bạn có đủ khả năng đảm nhiệm cùng lúc nhiều vị trí khác nhau, ngân sách bạn có thể chi cho marketing, sản phẩm, PR, quảng cáo, xây dựng cơ sở… là bao nhiêu, nguồn khách hàng trung thành của bạn có được nhờ các kênh nào và mức độ trung thành ra sao…
Sau khi đã đánh giá được các nguồn lực, doanh nghiệp mới có thể đề ra được chiến lược thương hiệu cụ thể. Chiến lược này chính là cách sử dụng tối ưu nguồn lực vốn có để đạt được mục tiêu thương hiệu, là định hướng doanh nghiệp nên đấu tranh để giành giật thị phần với những đối thủ khác hay tìm cho mình một thị trường ngách mới mẻ, khách hàng mục tiêu là những ai, phong cách thương hiệu cần tạo dựng trong tiềm thức khách hàng là bình dân hay thời thượng, cần khẳng định sự khác biệt của mình thông qua tính năng nổi trội của sản phẩm hay những giá trị tích cực mà chúng mang lại cho khách hàng, phương thức giao tiếp với khách hàng mục tiêu là gì…
Bước cuối cùng chính là thực thi theo chiến lược đã đề ra, điều chỉnh trong quá trình triển khai và rút ra chiến lược cuối cùng để áp dụng cho mọi hoạt động của doanh nghiệp sau này.
Một doanh nghiệp với chiến lược rõ ràng là một doanh nghiệp chuyên nghiệp, biết mình cần làm gì và làm như thế nào. Do đó, chiến lược thương hiệu là cần thiết đối với cả những doanh nghiệp nhỏ. Trong trường hợp bạn chưa đề ra được chiến lược cho riêng mình hay còn nghi ngờ về tính đúng đắn của chiến lược hiện tại, hãy để các chuyên gia của Sao Kim hỗ trợ và cung cấp những giải pháp tốt nhất dành cho bạn bằng cách liên hệ với chúng tôi ngay từ hôm nay.Sao Kim luôn sẵn sàng kết nối với bạn qua số điện thoại 0907780812 hoặc [email protected].
Nguồn: Memilus Agency
Chuyên gia hàng đầu về thiết kế Thương hiệu
Xem thêm những bài viết chất lượng khác:
Doanh nghiệp nhỏ có cần tới chiến lược thương hiệu?