5 Lợi thế đáng gờm của quy mô nhỏ khi xây dựng thương hiệu
Thông tin tham khảo,Xây dựng thương hiệu
Các doanh nghiệp với quy mô hoạt động nhỏ hẹp thường e ngại về sự thành công của việc xây dựng thương hiệu cho riêng mình, song có lẽ họ chưa ý thức được những điều kiện thuận lợi mà mình đang sở hữu. Nếu bạn cũng đang ở hoàn cảnh tương tự, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Sao Kim để nắm được lợi thế của quy mô nhỏ khi làm thương hiệu.
=>> Tham khảo thêmDoanh nghiệp nhỏ có nên xây dựng thương hiệu?
1. Định vị thương hiệu trong thị trường ngách
Với doanh nghiệp nhỏ, cố gắng giành lấy một thị phần nhỏ bé trong một thị trường rộng lớn đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải hao tổn rất nhiều nguồn lực để chiến đấu với những đối thủ mạnh, có thâm niên nhưng chưa chắc đã đạt được mục tiêu mong muốn. Thay vào đó, tự mình tạo ra một thị trường ngách nhỏ bé hơn – nơi bạn là người dẫn đầu và chiếm lĩnh phân khúc lại là lợi thế mà chỉ những doanh nghiệp nhỏ mới có thể làm được.
Nếu như những đối thủ lớn đang cố gắng cạnh tranh để dành giật miếng bánh thị phần và hầu như chỉ xoay quanh những định vị thông thường thì chiến lược tập trung vào thị trường ngách sẽ giúp bạn tạo ra những giá trị nhỏ nhưng đặc biệt, khuấy động được cảm xúc và thu hút sự chú ý từ khách hàng.Thị trường nhỏ sẽ cho phép bạn rèn luyện chuyên môn trong lĩnh vực của mình và thâm nhập thị trường dễ dàng hơn, giảm mức rủi ro khi không phải chạm mặt những doanh nghiệp lớn và tập trung hoàn thiện chất lượng sản phẩm – dịch vụ một cách tốt nhất.
Tiki là một doanh nghiệp khởi nghiệp từ thị trường ngách. Trước khi được biết đến rộng rãi với nhiều ngành hàng và bao phủ thị trường như bây giờ, Tiki bắt đầu khởi nghiệp từ thị trường sách. Nhắm tới thị trường ngách: Phân phối sách chính gốc với giá thành tiết kiệm nhờ tối thiểu hoá chi phí (kinh doanh mô hình thương mại điện tử không cửa hàng offline), Tiki thành công nhờ đem lại lợi ích thiết thực, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Xuất phát từ thị trường ngách, Tiki đạt được những thành công to lớn, kêu gọi được vốn đầu tư và phát triển vững mạnh tới thời điểm hiện tại.
Như vậy, để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp cần tránh nhắm tới một thị trường rộng lớn, bởi sai lầm xuất phát từ chính suy nghĩ “bán thừa còn hơn bỏ sót” và tấn công yếu ớt vào tập khách hàng rộng lớn bất kể độ tuổi, thu nhập, sở thích… Hãy xác định khách hàng mục tiêu cụ thể của mình, họ là cá nhân hay doanh nghiệp, ở độ tuổi nào, mức thu nhập là bao nhiêu, có thị hiếu ra sao… Giống như Tiki, hãy đặt mình vào địa vị của khách hàng để biết họ cần gì, muốn gì, từ đó hình thành ý tưởng sản phẩm và thử nghiệm, đánh giá.
2. Linh hoạt trong dịch vụ khách hàng
Các doanh nghiệp nhỏ luôn có khả năng thuyết phục khách hàng tốt hơn những ông lớn thông qua việc đáp ứng nhanh hơn các vấn đề của khách hàng. Trên thực tế, với số lượng khách hàng không lớn, doanh nghiệp nhỏ có thể hiểu rõ từng khách hàng của mình, dành nhiều thời gian hơn để nói về vấn đề của họ. Thay vì áp dụng các quy trình một cách cứng nhắc và chính sách cố hữu như các doanh nghiệp lớn, bạn hoàn toàn có khả năng xử lý tình huống linh hoạt và điều chỉnh quy định một cách phù hợp.
Với lợi thế này, doanh nghiệp nhỏ có thể mang lại những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho khách hàng, dễ dàng lấy lòng họ nhờ dịch vụ chăm sóc cá nhân hóa và sự mềm mỏng trong chính sách. Bạn sẽ khiến họ có cảm giác mình chính là thượng đế và được quan tâm bất cứ khi nào cần, từ đó gia tăng sự trung thành và tin tưởng mà khách hàng dành cho bạn.
Chẳng hạn, khi muốn bảo hành chiếc điện thoại từng mua tại cửa hàng bán lẻ của một doanh nghiệp viễn thông lớn, bạn phải mang chúng tới nơi đã mua, để lại và hẹn ngày đến lấy. Giả sử có trục trặc trong khâu bàn giao, chiếc điện thoại của bạn không được chuyển tới bộ phận bảo hành ở một tỉnh khác, bạn có thể sẽ phải chứng kiến cảnh các bộ phận gọi điện cho nhau để quy trách nhiệm, trong khi chiếc điện thoại của bạn không rõ đang ở đâu và vẫn chưa được bảo hành. Ngược lại, thay vì phải vận chuyển chiếc điện thoại từ cửa hàng bán lẻ tới phòng bảo hành qua nhiều bước trung gian, doanh nghiệp nhỏ có thể bảo hành ngay tại chỗ để rút ngắn thời gian chờ đợi của bạn.
Để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp nên xây dựng các quy trình và chính sách một cách linh hoạt, tránh gò bó dập khuôn. Mọi nhân viên cần phải có trách nhiệm khi đối mặt với khó khăn của khách hàng và tạo điều kiện để giải quyết vấn đề của họ càng đơn giản càng tốt. Việc chăm sóc cá nhân hóa cũng giúp các nhân viên dễ dàng kết nối với khách hàng, từ đó hình thành quan hệ thân thiết như người quen nhiều hơn là ấn tượng rằng bạn chỉ tiếp cận họ để phục vụ cho công việc của mình.
3. Xây dựng thương hiệu dựa trên Số khách hàng trung thành
Từ lợi thế đã nói ở trên, doanh nghiệp sẽ có kết nối mật thiết hơn với khách hàng và mang lại cảm giác được hậu thuẫn chắc chắn dành cho họ. Khách hàng thường có xu hướng thích được quan tâm về lợi ích và được cung cấp những thông tin có lợi cho mình một cách trực tiếp, cụ thể. Việc kết nối cá nhân giữa nhân viên doanh nghiệp và khách hàng sẽ giúp bạn củng cố mối quan hệ tốt đẹp này, khiến họ hài lòng hơn và từ đó trở thành khách hàng trung thành.
Lợi thế này sẽ giúp thương hiệu dễ dàng kết nối với khách hàng để lắng nghe vấn đề của họ một cách nhanh chóng. Không những vậy, doanh nghiệp còn dễ dàng quản trị thương hiệu nhờ vào việc quản lý tốt hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng, và hơn hết doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược thương hiệu lan tỏa từ lượng khách hàng trung thành cốt lõi một cách thuận lợi.
Không một doanh nghiệp nào “tự nhiên thành công”, tất cả đều xuất phát từ các doanh nghiệp nhỏ, tận dụng lợi thế để lớn lên, và phát triển bền vững. Sao Kim cũng là một trường hợp như vậy. Kể từ khi thành lập tới nay, Sao Kim đã phục vụ khoảng hơn 3000 khách hàng với hơn 6000 dự án. Ngay từ khi mới thành lập cho đến hiện tại, tất cả các khách hàng Sao Kim đều được chăm sóc chu đáo với quy trình chuyên biệt cá nhân hoá, vì vậy, họ quay lại sử dụng những dịch vụ tiếp theo nhiều hơn. Nhờ việc chú trọng tới khách hàng trung thành từ khi còn là doanh nghiệp nhỏ, Sao Kim ngày càng phát triển, lớn mạnh và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành
Để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp cần tận tâm với lượng khách hàng hiện tại bằng cách chăm sóc chu đáo, gặp gỡ trực tiếp, gửi email marketing, thường xuyên cung cấp thông tin có lợi cho khách hàng như các chương trình khuyến mại, ưu đãi…
4. Gắn bó chặt chẽ với địa phương
Nếu như các doanh nghiệp lớn mở rộng quy mô hoạt động của mình tại nhiều nơi để phát triển kinh doanh thì các doanh nghiệp nhỏ lại thường chỉ tập trung tại một địa phương nhất định. Điều này sẽ tạo ra lợi thế về sự am hiểu những đặc thù của thị trường mang tính khu vực, địa phương tốt hơn, đồng nghĩa với việc bạn trở thành người nhanh nhạy hơn trong việc thích ứng, phát triển bản địa hóa và đưa ra những chiến lược thương hiệu, truyền thôngthương hiệu phù hợp với người tiêu dùng trong khu vực đó.
Những hoạt động kinh doanh, hoạt động vì cộng đồng và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhỏ cũng được thực hiện tại địa phương, dẫn tới lợi ích liên kết chặt chẽ với với các doanh nghiệp, người dân và cả chính quyền trong địa phương. Khi đã quen với hình ảnh một doanh nghiệp năng động luôn hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội, việc bạn thuyết phục và xây dựng thương hiệu trong tâm trí khách hàng khu vực cũng trở nên dễ dàng hơn.
Để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ lãnh đạo địa phương trong các sự kiện của thành phố; tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp tại địa phương; chủ động tham gia các công tác từ thiện, nhân đạo tại địa phương… Hơn hết, nghiên cứu ý tưởng sản phẩm phù hợp với thị hiếu, tính cách và thói quen của người dùng tại địa phương, đồng thời tạo ra những chương trình ưu đãi dành riêng cho đối tượng khách hàng tại địa phương cũng là cách để doanh nghiệp củng cố vị thế của mình.
5. Kiểm soát chất lượng và hiệu quả
Để xây dựng ấn tượng tốt trong tâm trí khách hàng và đạt được định vị mà doanh nghiệp đã đặt ra thì chất lượng, tính năng, lợi ích của sản phẩm và dịch vụ cần được chú trọng và hoàn thiện. Ở quy mô nhỏ với bộ máy đơn giản, doanh nghiệp có nhiều thời gian, nguồn lực để tập trung sản xuất và kiểm soát chất lượng của chúng hơn so với doanh nghiệp lớn.
Để dễ hình dung, bạn có thể liên tưởng tới một quán bánh mì tại vỉa hè. Điều kiện giúp chủ quán chiếm được cảm tình của khách hàng và thu hút số lượng lớn thực khách mỗi ngày chỉ là bánh mì ngon, sạch sẽ với giá cả phải chăng. Trong khi đó, một nhà hàng nâng tầm bánh mì trở thành món ăn sang trọng hơn lại cần phải tiêu tốn thời gian, nhân lực cho việc nghĩ ra những công thức mới, cách biến tấu mới và tạo cảm giác sao cho khách hàng thấy thỏa mãn về mặt thị giác và đẳng cấp. Tuy nhiên, họ có thể không biết rằng, người Việt vẫn thường yêu thích bánh mì vỉa hè ở dạng mộc mạc và thuần Việt nhất với trứng, thịt, pate, ruốc thay vì hải sản hay đồ hun khói…
Trong trường hợp này, doanh nghiệp không nên quá sa đà vào việc phát triển quá nhiều các bộ phận chuyên trách. Với số lượng nhân sự không nhiều, hãy cố gắng tinh giảm những bộ phận không thực sự cần thiết và các khâu trung gian để tiết kiệm nguồn lực quản lý vào công tác lên ý tưởng, sản xuất, thử nghiệm…
Rõ ràng, mỗi quy mô hoạt động đều có một lợi thế riêng, nhưng doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa sẽ khó khăn hơn khi xây dựng thương hiệu so với doanh nghiệp lớn. Khai thác những tiềm năng sẵn có và tập trung vào lợi thế của mình là cách giúp bạn phát triển thương hiệu dễ dàng hơn khi thấp bé và sinh sau đẻ muộn. Khai thác ra sao và tập trung thế nào, câu hỏi này sẽ được Sao Kim giải đáp nếu bạn liên hệ với chúng tôi ngay từ hôm nay để gặp gỡ đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu.
Nguồn: Memilus Agency
Chuyên gia hàng đầu về thiết kế Thương hiệu
Xem thêm những bài viết chất lượng khác:
5 Lợi thế đáng gờm của quy mô nhỏ khi xây dựng thương hiệu