Dành cho chủ doanh nghiệp: 10 Lời khuyên hữu ích khi xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu
Trọng trách xây dựng thương hiệu thường đặt nặng trên đôi vai của những chủ doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh vừa bước chân vào thị trường và chưa có nhiều kinh nghiệm. Cần lưu ý những gì để quá trình xây dựng thương hiệu diễn ra thuận lợi ngay từ đầu và tránh được những sai lầm tai hại, tất cả sẽ được đề cập tới trong 10 lời khuyên mà Sao Kim dành cho chủ doanh nghiệp dưới đây.
= >> Tham Khảo thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác về Starup thương hiệu Tại Đây!
1. Xác định giá trị khác biệt
Điều quan trọng để khách hàng phân biệt và ghi nhớ doanh nghiệp của trong tương quan với những đối thủ khác chính là sự khác biệt mà họ cảm nhận được. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng sở hữu những giá trị khác biệt ngay từ chính nội tại của mình, không nhất thiết phải xuất phát từ đặc điểm của sản phẩm, đó có thể là sự vượt trội trong dịch vụ khách hàng hoặc trong văn hóa doanh nghiệp. Kể câu chuyện riêng về giá trị độc đáo chỉ mình bạn có chính là cách gieo vào tâm trí người tiêu dùng những ấn tượng về thương hiệu.
Cùng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhưng Capital House lựa chọn con đường tiên phong kiến tạo những công trình nhà ở xu hướng xanh và thông minh đích thực, trong khi thương hiệu VinCity của tập đoàn Vingroup lại tập trung vào những dự án quy hoạch theo mô hình khép kín với hạ tầng hiện đại tích hợp các dịch vụ đồng bộ như giáo dục, y tế, thể thao, mua sắm… Hoặc nếu Vietnam Airlines mang tới ấn tượng về hãng hàng không với mức giá cao nhưng uy tín và đẳng cấp thì VietjetAir lại mang tới cơ hội đi máy bay cho hàng triệu người với mức giá rẻ. Đó là những ví dụ cho giá trị khác biệt của các thương hiệu.
2. Đầu tư vào nhận diện thương hiệu
Bạn sẽ không thể xây dựng thương hiệu nếu thiếu đi một bộ nhận diện. Chúng giúp doanh nghiệp khẳng định mình đang thực sự kinh doanh chuyên nghiệp, dễ dàng được ghi nhớ và phân biệt trong tâm trí khách hàng, thu hút công chúng, tăng cường sự tin tưởng của các đối tác, nhà đầu tư…
Một hệ thống nhận diện chuyên nghiệp bao gồm các nhận diện cốt lõi như tên gọi, slogan, logo, brand guidelines, nhận diện văn phòng, các ấn phẩm marketing, nhận diện sản phẩm, nhận diện tại điểm bán… Chúng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn ngành, thể hiện được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, độc đáo, khác biệt, mang tính nhất quán và có thể hiển thị tốt trên các kênh khác nhau.
Càng là những doanh nghiệp mới, nhận diện thương hiệu càng đóng vai trò quan trọng để tạo tiền đề cho một màn chào sân ấn tượng của bạn trên thị trường.
3. Nhất quán trong hình ảnh thương hiệu
Tính đồng bộ luôn được đặt lên hàng đầu khi áp dụng nhận diện thương hiệu và triển khai các kế hoạch quảng bá thương hiệu dưới nhiều hình thức. Tất cả các yếu tố nhận diện trong hệ thống từ tên gọi, logo, màu sắc đại diện cho tới hệ thống văn phòng phẩm, nhận diện tại điểm bán, bao bì sản phẩm… đều cần phải tuân theo nguyên tắc thiết kế chung, theo một quy chuẩn nhất định đã được đặt ra từ đầu.
Bên cạnh đó, văn hóa thương hiệu – tổng hợp của giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong mỗi hành vi của các thành viên doanh nghiệp cũng cần mang tính đồng bộ. Điều này góp phần hình thành những định dạng riêng, mang tới những cảm nhận rõ ràng và ấn tượng đặc trưng về thương hiệu trong tâm trí khách hàng, từ đó củng cố tính chuyên nghiệp và niềm tin của khách hàng dành cho thương hiệu.
Lật lại vấn đề, nếu thiếu đi tính đồng bộ trong nhận diện thương hiệu và các hoạt động quảng bá, hình ảnh thương hiệu sẽ trở nên rời rạc, không đáng tin cậy, dễ gây nhầm lẫn và bối rối cho khách hàng. Đây là điều tuyệt đối nên tránh trong xây dựng thương hiệu.
Tham khảo thêm: Tại sao website của bạn cần nhất quán với nhận diện thương hiệu?
4. Đừng quá phóng đại
Một trong những sai lầm thường mắc phải của doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu khác biệt quá xa so với thực tế. Thổi phồng khả năng của doanh nghiệp trước khách hàng có thể khiến bạn trở nên ấn tượng hơn, nhưng đồng nghĩa với đó là sự chờ đón và kỳ vọng rất lớn từ phía khách hàng. Điều này dễ dẫn tới cảm giác hụt hẫng và thất vọng khi những gì họ nhận được không tuyệt vời như doanh nghiệp đã hứa hẹn. Khách hàng sẵn sàng tẩy chay thương hiệu của bạn bất cứ lúc nào nếu họ cảm thấy đang bị lừa dối.
Để tránh được hậu quả này, doanh nghiệp cần xây dựng nên một thương hiệu trung thực bằng cách tạo niềm tin với khách hàng. Hãy để họ biết bạn là ai, giá trị của bạn là gì và bạn có thực sự đáp ứng được những nhu cầu của họ hay không. Doanh nghiệp có thể đưa ra những lời hứa tới khách hàng và giữ đúng lời hứa đó, chẳng hạn như cam kết giao hàng trong vòng 30 phút của Domino’s Pizza, hay McDonald’s cam kết cung cấp những bữa ăn không đắt đỏ, dễ ăn và được phục vụ nhanh chóng trong môi trường an toàn về vệ sinh.
5. Xây dựng thương hiệu tập trung vào trải nghiệm
Ngay cả khi doanh nghiệp trung thực với khách hàng về những giá trị của mình, bạn vẫn có thể vấp phải sự phản đối nếu không quan tâm tới những trải nghiệm thực tế của khách hàng.Nhiều doanh nghiệp vẫn thường nhầm lẫn thương hiệu là một logo, là màu sắc đặc trưng, là các chiến dịch marketing rầm rộ, nhưng thực chất thương hiệu phải được xây dựng từ chính cảm xúc và suy nghĩ của khách hàng sau những gì họ cảm nhận và được trải nghiệm.
Hãy đặt khách hàng ở vị trí trung tâm và mang tới những trải nghiệm đáng nhớ. Để làm được điều này, bạn có thể xây dựng bản đồ hành trình khách hàng từ khi họ tiếp xúc với thương hiệu, tò mò về sản phẩm, liên hệ trên website cho tới khi đến cửa hàng… để lên kế hoạch tương tác với khách hàng ở từng điểm tiếp xúc một cách hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, nếu thấy khách hàng bình luận trên fan page về sản phẩm, hãy cố gắng trả lời thật nhanh và gợi mở cuộc trò chuyện sâu hơn thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi. Nếu đường dây nóng quá tải dẫn tới việc khách hàng sốt ruột khi không liên hệ được, bạn phải khắc phục ngay sự cố trước khi họ bực tức và tìm đến thương hiệu khác. Đồng thời, hãy cố gắng tư vấn giải pháp phù hợp nhất với khách hàng trên cơ sở lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và đề cao lợi ích của họ.
6. Không ngừng cải tiến sản phẩm và dịch vụ
Xây dựng thương hiệu là quá trình cần được tiến hành song song với việc nỗ lực cải tiến để hoàn thiện chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ, bởi các chiến dịch marketing, quảng bá không phải là điều kiện cần thiết duy nhất để thu hút khách hàng. Cho dù truyền thông thương hiệu có thành công tới đâu, họ vẫn có quyền từ chối bạn vào lần sau nếu sản phẩm nhận được không khiến họ thỏa mãn. Bên cạnh yếu tố cảm xúc thì chất lượng sản phẩm mới chính là điều kiện tiên quyết giúp thương hiệu níu chân khách hàng.
Thêm vào đó, cùng với sự phát triển đa dạng không ngừng của thị trường và nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng, nếu bảo thủ giữ nguyên những dòng sản phẩm cũ thay vì cải tiến, nâng cấp để phù hợp với những nhu cầu mới, bạn chắc chắn sẽ bị bỏ lại trong cuộc đua. Ngay cả những doanh nghiệp đã có vị thế trên thị trường cũng không phải ngoại lệ. Hãy nhìn vào sự sụp đổ của huyền thoại Nokia trước sức ép từ hàng loạt các sản phẩm smartphone của các thương hiệu sinh sau đẻ muộn để thấy được tầm nghiêm trọng của vấn đề này.
7. Kể câu chuyện thương hiệu một cách khéo léo
Khách hàng thường dị ứng với những chiêu trò quảng cáo, vì vậy đừng khiến họ quay lưng với thương hiệu chỉ vì cách bạn truyền tải thông điệp chưa hợp lý. Thay vì triển khai những chiến dịch Marketing rầm rộ nhưng vô nghĩa, hãy tìm cách kể những câu chuyện có thể chạm đến trái tim khách hàng và khơi gợi cảm hứng nơi họ để truyền tải tốt hơn thông điệp thương hiệu.
Khoảng từ cuối năm 2016, giới trẻ xôn xao với chiến dịch “Đi để trở về”, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ của Biti’s với thương hiệu con Biti’s Hunter. Trong khi những thương hiệu như Neptune, Nestle hay Coca Cola kể câu chuyện Tết sum họp thì Biti’s lại lật ngược vấn đề với câu chuyện về những bước chân ra đi. Lựa chọn 2 đại sứ trẻ tuổi và thành công như Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn, Biti’s đã tạo cảm hứng để giới trẻ tự tin đi xa, tự tin khám phá, và “đi thật xa để trở về”. Hiệu ứng phủ sóng của chiến dịch là vô cùng lớn, và Biti’s đã thành công ngoài sức tưởng tượng trong việc củng cố hình ảnh thương hiệu nhờ câu chuyện này.
8. Đặt trách nhiệm lên vai từng thành viên
Đừng nghĩ rằng xây dựng thương hiệu chỉ là nhiệm vụ mang tính chiến lược vĩ mô của các nhà lãnh đạo và điều hành doanh nghiệp. Không phải bạn mà chính những nhân viên mới là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và mang hình ảnh thương hiệu tới gần hơn với họ. Đó là lý do trách nhiệm xây dựng thương hiệu cần được phân đều cho tất cả các thành viên.
Việc đầu tiên mà những người chủ doanh nghiệp cần làm chính là đào tạo một cách bài bản cho toàn thể nhân viên về những gì liên quan tới thương hiệu, từ giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh của thương hiệu cho tới ý nghĩa của nhận diện thương hiệu, cách áp dụng chúng trong những hoàn cảnh cụ thể, đặt ra các chuẩn mực hành động…
Không những vậy, thống nhất hoạt động giữa các bộ phận cũng là điều cần thiết. Chẳng hạn, nhân viên bán hàng nên có cách tư vấn sản phẩm tương đồng với phong cách viết bài của copywriter, hay bộ phận chăm sóc khách hàng phải thực hiện theo đúng kế hoạch mà bộ phận marketing đã đặt ra.
9. Xây dựng cộng đồng thương hiệu
Xây dựng cộng đồng thương hiệu (Brand Community) được hiểu là sự khởi tạo một cộng đồng bao gồm tất cả những người có chung một mối quan tâm, cùng nhau trao đổi và chia sẻ thông tin về chúng. Mối quan tâm đó trong trường hợp này chính là thương hiệu của bạn. Điều đó có nghĩa rằng, bạn phải tạo ra một cộng đồng bao gồm những người muốn mua hoặc đang dùng sản phẩm của bạn, thậm chí cần có cả những người không thích và bàng quang với những sản phẩm đó.
Với các thương hiệu “khủng” như Coca Cola hay Victoria’s Secret, cộng đồng thương hiệu có thể được thành lập dễ dàng chỉ với một fanpage mang tên thương hiệu trên mạng xã hội. Những thương hiệu nhỏ hơn có thể đi theo các con đường sáng tạo khác, chẳng hạn như fanpage Tuyệt chiêu con gái của Diana 4teen, hay Hội review đồ ăn của các thương hiệu như Foody hay Lozi…
Với sự phát triển của các trang mạng xã hội, không khó để các thương hiệu tự xây dựng cộng đồng thương hiệu cho chính mình. Đặc biệt, nếu lựa chọn kênh thích hợp với khách hàng mục tiêu và sáng tạo nội dung ấn tượng, việc thu hút công chúng cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
10. Chọn nhà tư vấn thương hiệu chuyên nghiệp
Sau khi đã tham khảo đủ 9 lời khuyên trên, có thể bạn đã hình dung ra những việc mình cần làm, nhưng bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào lại là một thử thách rất lớn. Cũng hoàn toàn dễ hiểu nếu bạn là chủ doanh nghiệp chỉ am hiểu về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp cũng không sở hữu những bộ phận chuyên trách xây dựng thương hiệu.
Trong trường hợp này, tự mình xây dựng thương hiệu khi thiếu kiến thức và kinh nghiệm không chỉ là nhiệm vụ khó khăn của doanh nghiệp mà còn có thể dẫn thương hiệu tới con đường đổ vỡ nếu không xây dựng một chiến lược đúng đắn. Hãy mạnh dạn tìm đến những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp – nơi tập hợp những chuyên gia hàng đầu trong xây dựng chiến lược thương hiệu, thiết kế nhận diện, cung cấp giải pháp trọn gói… Đó cũng là cách để bạn đầu tư một cách đúng đắn và tập trung thay vì đi vào vết xe đổ dàn trải ngân sách nhưng thiếu hiệu quả như những doanh nghiệp khác vẫn tự túc thực hiện.
Xem thêm 8 quan niệm sai lầm về tư vấn thương hiệu
Với uy tín được khẳng định bởi trên 3000 doanh nghiệp khách hàng thông qua hơn 7000 dự án, Sao Kim chính là lời khẳng định cho sự thành công cho thương hiệu của bạn. Hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp các thắc mắc và tư vấn chuyên sâu cho sự lớn mạnh của thương hiệu doanh nghiệp bạn trong tương lai sắp tới.
Dành cho chủ doanh nghiệp: 10 Lời khuyên hữu ích khi xây dựng thương hiệu