Chiều 19.6, tại họp báo công bố kết quả kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV, Báo Thanh Niên nêu câu hỏi: “Vừa qua, sau khi có kiến nghị của đại biểu Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải sau phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét các kiến nghị này.
Trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, như họp báo đầu kỳ họp, thì vụ án Hồ Duy Hải là vụ án phức tạp, trải qua 12 năm. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, có nhiều ý kiến của dư luận, các đại biểu Quốc hội cũng có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ việc này.
Theo ông Phúc, để xem xét kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tư pháp xem xét, có báo cáo tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Đây là thực hiện theo điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự”, ông Phúc nói.
“Ngày 16.6, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét nội dung này. Tuy nhiên, đến nay, Ủy ban Tư pháp chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Phúc nói, đồng thời khẳng định, sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, lúc đó sẽ có quyết định.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp đã xem xét từ tất cả quá trình điều tra, truy tố xét xử từ sơ đến phúc, nhưng đặc biệt xem xét quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án vừa qua, đặc biệt là tính đúng đắn và hợp pháp của quyết định giám đốc thẩm.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Sau phiên họp, Ủy ban Tư pháp quyết định sẽ gửi phiếu lấy ý kiến của tất cả 39 thành viên Ủy ban này, tổng hợp, nêu quan điểm chính thức của Ủy ban về vụ việc và báo cấp có thẩm quyền. Vào thời điểm đó, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, có thể trong ngày hôm sau, 17.6, sẽ có kết quả lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp.
Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao 1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó. 2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. 3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Trường hợp Chánh án TAND tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó. |
Ủy ban Tư pháp chưa báo cáo kết quả lấy phiếu vụ Hồ Duy Hải