4 trường hợp đặc biệt được giới thiệu vào Ban Chấp hành T.Ư gồm các ông: Uông Chu Lưu (khi đó là Phó chủ tịch Quốc hội); Đỗ Bá Tỵ (khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam); Bùi Văn Nam (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an); Huỳnh Phong Tranh (khi đó là Tổng Thanh tra Chính phủ).
Kết quả, ông Huỳnh Phong Tranh không trúng cử.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944)
Theo quy định, độ tuổi của Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi. Tại nhiệm kỳ Đại hội XI (2012), ông Nguyễn Phú Trọng khi đó 68 tuổi, đang là Chủ tịch Quốc hội, được giới thiệu bầu vào T.Ư, bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và bầu làm Tổng bí thư khóa XI.
Tới Đại hội XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tín nhiệm xem xét, giới thiệu như một trường hợp đặc biệt bầu vào T.Ư khóa XII, bầu vào Bộ Chính trị, và sau đó là Tổng bí thư. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ Đại hội XII.
Tại Hội nghị T.Ư 8 khóa XII diễn ra vào tháng 10.2018, 100% các ủy viên T.Ư cũng đã đồng ý giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thay cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần trước đó.
Ngày 23.10.2018, kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016 – 2021 với tỉ lệ phiếu 99,79% đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu.
Ông Uông Chu Lưu (1955)
Ông Uông Chu Lưu là 1 trong 4 trường hợp đặc biệt về tuổi được giới thiệu bầu vào T.Ư khóa XII. Vào năm 2016, ông Uông Chu Lưu 61 tuổi, và đã có 2 khóa giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội (Quốc hội khóa 12 và 13). Ông Lưu cũng là Uỷ viên T.Ư các khóa IX, X, XI. Ông Lưu quá 1 tuổi so với quy định đối với ủy viên T.Ư là không quá 60 tuổi vào thời điểm diễn ra Đại hội XII.
Kết quả, ông Uông Chu Lưu là 1 trong 3 trường hợp đặc biệt trúng cử T.Ư khóa XII. Sau đó, tháng 7.2016, ông Lưu tiếp tục được bầu giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội khóa 14 với tỉ lệ tán thành là 96,76%. Ông Lưu là Phó chủ tịch phụ trách các lĩnh vực tư pháp, pháp luật của Quốc hội.
Ông Đỗ Bá Tỵ (1954)
Giống ông Uông Chu Lưu, ông Đỗ Bá Tỵ là 1 trong 4 trường hợp đặc biệt về tuổi được giới thiệu tái cử tại Đại hội XII. Ông Tỵ 62 tuổi vào năm 2016 đang giữ chức Tổng tham mưu trưởng – Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng, hàm đại tướng.
Ông Tỵ từng là Uỷ viên T.Ư các khóa X, XI; là đại biểu Quốc hội khóa 13 (tỉnh Điện Biên).
Kết quả, ông Tỵ đã trúng cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XII. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14, ông Tỵ đã được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Ông Tỵ phụ trách lĩnh vực quốc phòng, an ninh của Quốc hội.
Ông Bùi Văn Nam (1955)
Ông Bùi Văn Nam 61 tuổi vào năm 2016, khi Đại hội XII diễn ra. Khi đó, ông Nam đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, hàm thượng tướng (từ 2013).
Ông Bùi Văn Nam là 1 trong 3 trường hợp đặc biệt trúng cử tại Đại hội XII. Sau Đại hội, ông Nam tiếp tục giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an cho tới nay.
Ông Nam giữ chức vụ này từ năm 2003. Tới năm 2011, ông được Bộ Chính trị điều động, chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình trong khoảng 2 năm. Tới năm 2013, ông được điều động trở lại làm Thứ trưởng Bộ Công an và phong hàm từ trung tướng lên thượng tướng.
Tới tháng 5.2020 vừa qua, ông Nam thôi chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an. Người thay thế ông Nam là trung tướng Lương Tam Quang, người vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ cuối 2019.
Cân nhắc trường hợp đặc biệt của nhiệm kỳ Đại hội XIII Tại Hội nghị T.Ư 12 khóa XII (5.2020), T.Ư thảo luận về phương hướng nhân sự Đại hội XIII và thống nhất dự kiến, Đại hội XIII sẽ có 3 độ tuổi, dưới 50, từ 50 – 60 và từ 61 tuổi trở lên. Theo đó, tỉ lệ các độ tuổi dự kiến dưới 50 khoảng 15 – 20%; độ tuổi từ 50 – 60 khoảng trên dưới 70% và độ tuổi từ 61 trở lên trên dưới 10%. (Cơ cấu độ tuổi của Đại hội XII tương ứng là dưới 50 tuổi dự kiến 15-20%; từ 50-60 tuổi dự kiến 65-70%; trên 60 tuổi dự kiến 5-10%). Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII dự kiến sẽ có khoảng 200 người, trong đó, 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết, số lượng bằng khóa XII. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị từ 17-19 người, Ban Bí thư từ 12-13 người (tương tự khóa XII). Các trường hợp đặc biệt của nhiệm kỳ Đại hội XIII cần cơ cấu vào T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, trình T.Ư xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng. |
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII: Trường hợp đặc biệt