Từ tháng 12.2010, ông Trần Đình Sơn (52 tuổi, ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, H.Phù Cát, Bình Định) đã làm hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (còn gọi là sổ đỏ) nộp cho UBND xã Cát Tân. Tuy nhiên, 10 năm qua, ông Sơn mòn mỏi chờ và nhiều lần phải gác lại việc đồng áng để lên UBND xã Cát Tân hỏi thăm số phận của
sổ đỏ nhưng không có kết quả.
Hành động “lạ” của cán bộ địa chính
Năm 1996, UBND xã Cát Tân thanh lý nhà kho vật tư của HTX nông nghiệp Cát Tân 2, công khai bán đấu giá đất cho dân xây nhà ở. Ông Sơn cùng 7 người khác tham gia đấu giá và ông đấu trúng lô đất có diện tích 340 m2 với giá 6 triệu đồng. Ngày 2.10.1996, Hội đồng thanh lý nhà kho (do UBND xã Cát Tân ra quyết định thành lập) đã lập biên bản giao đất cho những người đấu giá trúng.
Trong quá trình sử dụng, ông Sơn mở rộng thêm 38,8 m2 thuộc diện đất hoang do UBND xã quản lý. Đến năm 2010, Hội đồng giao quyền ruộng đất xã Cát Tân tiến hành kiểm tra thực tế, xác nhận 38,8 m2 đất hoang ông Sơn tự ý mở rộng nằm trong quy hoạch khu dân cư của xã Cát Tân, không có tranh chấp.
Sau khi niêm yết công khai 15 ngày tại trụ sở UBND xã nhưng không nhận được ý kiến khác, nên UBND xã thống nhất cho tồn tại và đề nghị UBND H.Phù Cát giải quyết cấp sổ đỏ cho ông Sơn với diện tích 378,8 m2.
Một thời gian sau, thay vì nhận được sổ đỏ như những hộ cùng đấu giá đất như mình thì ông Sơn lại nhận về bộ hồ sơ do ông Trần Quang Trọng (cán bộ địa chính xã lúc bấy giờ) mang đến nhà gửi lại bảo phải chờ. Ông Sơn giữ bộ hồ sơ đó và… chờ
Những năm sau đó, ông liên tục đến UBND xã Cát Tân hỏi vì sao chưa được cấp sổ đỏ thì
cán bộ địa chính xã là bà Trần Thị Kim Tuyến bảo ông tìm ông Trọng để hỏi, nhưng ông này đã không còn làm việc ở UBND xã Cát Tân.
“Cán bộ địa chính làm việc kỳ lạ quá! Hồ sơ của tôi đã làm đúng thủ tục rồi nhưng cán bộ địa chính xã là ông Trọng tự tay đem về tận nhà tôi để trả lại rồi bảo chờ! Ông Trọng không còn làm cán bộ địa chính nữa nhưng cán bộ địa chính kế nhiệm là bà Tuyến lại bảo tôi đi tìm ông này để hỏi chuyện cấp sổ đỏ là sao?”, ông Sơn bức xúc.
Lý do chưa thuyết phục
Trả lời câu hỏi vì sao đến nay ông Sơn vẫn chưa được cấp sổ đỏ, sau khi xem qua hồ sơ, ông Đào Văn Tú, Phó chủ tịch UBND xã Cát Tân, nói: “Hồ sơ đầy đủ rồi, lẽ ra đã được cấp sổ đỏ từ lâu. Chắc có vướng gì đây!”. Sau đó, ông Tú gọi cán bộ địa chính xã đến, yêu cầu kiểm tra, làm rõ trường hợp này.
Làm việc với chúng tôi, ông Phan Hữu Tùng, cán bộ địa chính xã Cát Tân hiện này cho biết, lý do ông Sơn chưa được cấp sổ đỏ là do xây nhà vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường dây 220 kV.
Để xác định, ông Sơn có vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện hay không, chúng tôi đã lấy thông tin từ Phòng An toàn, Công ty Điện lực Bình Định.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Trưởng phòng, cho biết: Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26.02.2014 của Chính phủ về “Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp” quy định: “Chiều rộng hành lang được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh đối với đường dây 220 kV có khoảng cách 2,0 m (Mục I, Điều 1, Điểm b, Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26.02.2014). Căn cứ theo quy định trên, chúng tôi thấy nhà ông Sơn không vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Vì đo theo thực tế, vách nhà ông Sơn cách đường dây điện áp 220 kV theo chiều rộng là trên 14 m, nên nhà ông Sơn không vi phạm hành lang an toàn điện”.
Trong chiều 20.7, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Tùng để trao đổi về thông tin của ngành điện lực nhưng ông này không nghe máy.
Vì sao ông Sơn chưa được cấp sổ đỏ và bao giờ mới được cấp sổ đỏ? Rất mong UBND xã Cát Tân có câu trả lời thỏa đáng.