Không thể để xảy ra bị kịch như Đông Âu bằng bất cứ giá nào
Ngày 31.7,
Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo.
Khẳng định, trong lịch sử, những trí thức Việt Nam chân chính, yêu nước, bao giờ cũng đứng về phía đất nước, bao giờ cũng chia sẻ số phận với nhân dân mình, ông Minh cho rằng, để công tác vận động trí thức tham gia đóng góp cho
phát triển kinh tế – xã hội đất nước thì trước hết cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ những người làm công tác vận động trí thức là người có uy tín, nhiệt huyết và quan trọng hơn cả là những người am hiểu mục đích ý nghĩa việc mình làm, thực sự tin điều mình nói.
“Có như vậy mới có thể động viên, thuyết phục được người khác”, ông Minh nói.
Cho rằng, là thế hệ chứng kiến những thăng trầm của thời cuộc trong suốt nửa thế kỷ qua, hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc vận động trí thức đối với việc giữ ổn định và phát triển đất nước, ông Minh kể: “Hơn 27 năm, mùa đông 1993, tôi được cử đi công tác ở một nước Đông Âu, thời điểm chế độ chủ nghĩa xã hội ở đó vừa sụp đổ. Do tình hình kinh tế chính trị bất ổn, y tế trì trệ nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tôi còn nhớ, mỗi buổi sáng bước ra khỏi khách sạn, đi qua những người phụ nữ bế con đứng giữa trời tuyết lạnh chìa tay xin tiền, tôi đã không dám nhìn thẳng vào mắt họ. Bởi, 20 năm trước, khi là sinh viên, lần đầu đặt chân tới đây, tôi được thầy cô, bạn bè hết lòng chăm sóc, tạo điều kiện cho học hành. Nay nhìn thấy bạn bè cũ lâm vào cảnh khó khăn, mà không giúp được, lương tâm tôi thấy bị cắt rứt”.
Theo ông Minh, trở về sau chuyến công tác đáng buồn đó, bài học sâu sắc nhất mà ông rút ra là bằng bất kỳ giá nào cũng không thể để tấn bi kịch đó xảy ra với đất nước, dân tộc mình.
“Muốn vậy phải giữ cho đất nước ổn định, phải giữ được lòng dân, làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức. Đó là trách nhiệm của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam”, ông Minh nói.
Thách thức lớn nhất là cuộc chiến tranh thông tin trên không gian mạng
Biện pháp thứ 2 mà ông Minh kiến nghị, là phải làm tốt công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy trong anh chị em trí thức lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc.
Theo ông Minh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, thách thức lớn nhất là cuộc chiến tranh thông tin trên không gian mạng.
Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, 30 năm trước, khi nước Đức còn bị chia cắt, chiến tuyến của cuộc chiến tranh lạnh trải dài theo bức tường Berlin chằng chịt dây thép gai. Thế nhưng, ngày hôm nay, chiến tuyến của cuộc chiến tranh thông tin trên không gian mạng, bắt đầu từ quán cà phê internet, chạy qua ký túc xá sinh viên và len lỏi vào từng căn hộ, từng ngôi nhà của mỗi chúng ta.
“Tôi nói như vậy bởi mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta bật máy vi tính có thể nhìn thấy đủ mọi khuôn mặt, nghe đủ loại giọng nói, và đọc đủ loại thông tin, từ tin đúng, tin đúng một nửa, cho tới tin bịa đặt”, ông Minh nói và cho rằng, đã có nhiều biện pháp được áp dụng để ngăn chặn tin giả, song tới nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Minh đề xuất, biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn thông tin sai sự thật không phải ở đâu xa lạ, nó nằm trong tim mỗi người. Đó là niềm tin của chúng ta vào luật nhân quả và lẽ công bằng, theo đó, người tốt phải thắng kẻ xấu, điều thiện phải thắng điều ác.
“Đó còn là niềm tin vào vào truyền thống quật cường của dân tộc; vào sự quyết tâm, nghiêm minh của Đảng, Nhà nước trong xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng để tài sản chung của chúng ta có được ngày hôm nay bằng mồ hôi, nước mắt, máu của hàng triệu
người Việt Nam, không thể trở thành tài sản riêng của một vài người; để số phận đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta, chỉ có thể nằm trong tay những người có bản lĩnh chính trị vững vàng và là những tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống”, ông Minh chia sẻ, đồng thời khẳng định, củng cố niềm tin đó cho trí thức chính là nhiệm vụ của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam trong những năm sắp tới.
Dịch Covid-19 đang khơi dậy ý chí, tinh thần đoàn kết
Để làm tốt hơn nữa công tác vận động trí thức, ông Minh cũng đề xuất, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức tham gia vào việc đóng góp ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, nhất là trong lĩnh vực khoa học –
công nghệ, giáo dục – đào tạo, chính sách đối với trí thức.
Dẫn chứng ngay cuộc chiến chống đại dịch
Covid-19 đã và đang diễn ra, Chính phủ đã có rất nhiều quyết sách đúng dựa trên ý kiến độc lập, khách quan, có cơ sở khoa học của các chuyên gia y tế, ông Minh cho rằng, ý kiến của các chuyên gia đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạch định chính sách của Nhà nước.
Biện pháp thứ 4, theo ông Minh, chính là phát huy hơn nữa vai trò phương tiện thông tin đại chúng trong giáo dục chính trị tư tưởng, truyền bá kiến thức khoa học công nghệ.
Dẫn chứng việc tờ báo
Khoa học – Đời sống của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã mang đến cho các nhà khoa học rất nhiều kiến thức, ông Minh khẳng định, báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách và
định hướng nghề nghiệp với nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.
Khẳng định, trong suốt 2 thế kỷ qua, do vị trí địa chính trị đặc biệt, Việt Nam luôn bị các nước lớn nhòm ngó để tranh giành lợi ích, quyền lợi, ông Minh cũng cho rằng, trong những năm sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.
Nhắc lại thời điểm
dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm, song đồng bào vẫn đem thực phẩm đi tiếp tế cho những khu phố bị cách ly hay lặn lội tận biên giới thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, ông Minh khẳng định, dịch
Covid-19 đang khơi đậy dậy ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, truyền thống đùm bọc lẫn nhau của người dân Việt Nam mỗi khi phải đối đầu với hiểm họa chung.
“Củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên tình dân tộc, nghĩa đồng bào, dựa trên những giá trị tinh thần tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, chính là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả chúng ta”, ông Minh khẳng định.