Thủ tướng: Câu ‘Hà Nội không vội được đâu’ đã cũ, lạc hậu rồi

Trong thời điểm khó khăn của đại dịch như thấy tinh thần Hà Nội những năm tổng khởi nghĩa

Hội nghị còn có sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ các đối tác lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, như Nhật Bản, Trung Quốc; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Tại hội nghị, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỉ đồng (tương đương 17,6 tỉ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỉ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước thông tin Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án nêu trên. “Nếu như rơi rớt, mà còn 60% của số dự án này đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh thì đã thành công trong bối cảnh thế giới hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, trong thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19, ông như thấy được một tinh thần Hà Nội của những năm tổng khởi nghĩa toàn quốc kháng chiến. Hà Nội thực sự là một trong số ít thủ đô làm tốt công tác phòng chống dịch, góp phần tạo uy tín và sức mạnh mềm của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
“Trước tôi có nói câu “Hà Nội không vội được đâu” thì bây giờ câu nói đó đã lạc hậu rồi, cũ rồi”, Thủ tướng nói và minh họa bằng việc Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp, hợp tác, tháo gỡ những bất cập trong chỉ đạo, điều hành, để xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là nhiều tập đoàn làm hạ tầng, những tập đoàn công nghệ để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng: Câu ‘Hà Nội không vội được đâu’ đã cũ, lạc hậu rồi - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án lớn tại Hà Nội

Ảnh HNM

Với vị thế mới, Hà Nội giờ đây không chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, là một trong trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

“Đến năm 2045, khi Việt Nam ở một vị thế đất nước phát triển, thì Hà Nội phải đặt tầm nhìn là một trong trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta và như tinh thần của chiếu dời đô cách đây tròn 1.010 năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, Hà Nội giờ đây không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương trong nước, mà đặt cạnh tranh với các thành phố trong khu vực như Bangkok, Manila, Jakarta, Thượng Hải…

Doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi là “cổ đông chiến lược” của thủ đô

Đặt câu hỏi “làm sao để Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn đó”, Thủ tướng cũng gợi mở câu trả lời là “Hà Nội phải tận dụng được 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong phát triển”.

Thứ nhất là Hà Nội phải có thể chế tốt, tranh thủ các cơ chế đặc thù mà thành phố đang có, đặc biệt là nghị quyết về cơ chế đặc thù mới đây. 

Bên cạnh đó, Hà Nội tận dụng thời cơ, chủ động hơn nữa, tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu, các hiệp định FTA thế hệ mới đang mở ra.

Thủ tướng đề nghị Chính quyền Hà Nội cũng như cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế hãy nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ hội, cơ chế, chính sách đặc thù như một yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội, bởi “chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như thế này”.

Thứ 2, Hà Nội cần tận dụng tối đa lợi thế địa chính trị, kinh tế của Việt Nam. 

Thứ 3, Hà Nội phải có cổ đông chiến lược để cùng đồng hành với chiến lược của mình. Đó chính là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt là giới khoa học công nghệ. “Hội nghị hôm nay là cơ hội để Hà Nội tìm được các cổ đông chiến lược cho mình, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đặt niềm tin, gây dựng sự nghiệp ở “vùng đất rồng bay” này. Đây chính là yếu tố nhân hòa”, theo Thủ tướng.

Thủ tướng cho rằng, để xây dựng được điều này, đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng được 5 chữ “tinh”. Trước hết là “tinh thông” trong công việc, “tinh nhuệ” trong hành động, “tinh gọn” về bộ máy, “tinh tuý” về chất cán bộ, “tinh ý” trong hiểu người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, khi xúc tiến đầu tư, lượng vốn lớn là hết sức cần thiết, nhưng yếu tố con người, nhân tài, trí tuệ của nhân lực cấp cao đối với thủ đô càng quan trọng hơn. Nhân hòa chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội.

Thủ tướng lưu ý, Hà Nội phải bật ra một hình ảnh trong trí nhớ và trái tim của mọi người. Đó phải là “Thành phố vì hòa bình”, phải là “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Cho nên, cần biến bản sắc Hà Nội trở thành một thứ vốn liếng quý giá để tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng.

Nhân cơ hội này, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Hà Nội thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp tác và đầu tư phát triển, không chỉ để đây là khẩu hiệu suông.

Thủ tướng: Câu ‘Hà Nội không vội được đâu’ đã cũ, lạc hậu rồi

 







Thiết Kế Annual Report Vinamilk 2018

Dự án Báo Cáo Thường Niên Vinamilk 2018 do Memilus thiết kế và in ấn




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *