“Khi tàu dừng trên đèo có thể xảy ra câu chuyện nhảy tàu đi chui. Hiện có một số đoàn tàu khách như SE3, SE4 dừng để cán bộ, công nhân viên đường sắt đi làm nhiệm vụ trên khu vực đèo. Tuy nhiên, việc người dân đi chui không phải là vào trong toa tàu mà thường là bu bám bên ngoài tàu để đi một đoạn…”, vị lãnh đạo đường sắt này nhận định.
Báo cáo tại hiện trường với đại tá Trần Mưu (Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng), lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Đà Nẵng, cho hay ngay sau khi phạm nhân Triệu Quân Sự vứt xe tẩu thoát vào rừng Hải Vân, lực lượng công an đã phối hợp với lực lượng bộ đội chốt chặn tất cả các tuyến đường và băng rừng tìm phạm nhân này.
“Lực lượng công an đã ra Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế) để thu thập thông tin, trích xuất camera và lập chốt kiểm soát trên đỉnh đèo Hải Vân. Công an đã xác minh tất cả địa điểm ga tàu ở phía Lăng Cô, tàu lửa qua lại đèo Hải Vân cũng như tất cả các xe lưu thông qua đèo. Theo dữ liệu thu thập được thì chưa có cơ sở kết luận phạm nhân Triệu Quân Sự thoát khỏi Hải Vân bằng đường tàu hỏa”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Sáng 9.6, PV Thanh Niên có mặt tại đèo Hải Vân ghi nhận, lực lượng truy bắt đã mở rộng diện tìm kiếm ra phía bắc đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện tất cả các mũi trinh sát đã triển khai phương án mới, nhiệm vụ truy bắt phạm nhân Triệu Quân Sự vẫn đang ráo riết triển khai. Trước đó, lực lượng thuộc Cục Điều tra của Bộ Quốc phòng cũng được tăng cường để tiếp tục truy bắt phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự.
Tàu hỏa qua đèo Hải Vân vận tốc 15km/giờ, liệu Triệu Quân Sự có tẩu thoát?