Phúc thẩm đại án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: Chuyển nhượng cổ phần không cần công chứng?

Ngày 24.6, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (72 tuổi, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và đồng phạm gây thiệt hại của TrustBank (nay là CB Bank) hơn 1.338 tỉ đồng.

Liên quan đến 17 bất động sản (BĐS) tòa sơ thẩm tuyên giao cho Công ty Tân Đông Hiệp nhưng Viện KSND TP.HCM kháng nghị đề nghị giao cho Phạm Công Danh. Theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, 17 BĐS này tuy Hứa Thị Phấn có chuyển nhượng cho bà Lý Kim Chi (chủ Công ty Tân Đông Hiệp) nhưng việc chuyển nhượng này không được công chứng nên vô hiệu.

Ngược lại, Công ty Tân Đông Hiệp cho rằng vì phần chuyển nhượng là vốn cổ phần nên không cần công chứng. Đồng thời, do công ty có tranh chấp thừa kế nội bộ nên mãi đến 2015 mới hoàn thành xong thủ tục, cập nhật số cổ phần trên vào hệ thống. Do đó, công ty khẳng định đây là tài sản thuộc công ty chứ không phải do Phạm Công Danh sở hữu.

Theo các luật sư của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, dù Hứa Thị Phấn đã ký hợp đồng chuyển cho bà Chi số cổ phần có 17 bất động sản nhưng hợp đồng này không được công chứng, không được cơ quan nhà nước nào chấp nhận, chỉ có sự chứng kiến của văn phòng luật sư nên hợp đồng này vô hiệu. Đồng thời, sau khi ký các hợp đồng năm 2012, Phạm Công Danh đã chuyển tiền cho bà Phấn, tất toán nợ gốc cho 29 khoản vay của TrustBank, được cơ quan nhà nước chấp nhận nên tất cả 114 BĐS, bao gồm 17 BĐS đang gây tranh cãi đều thuộc sở hữu của Phạm Công Danh.

“6 bất động sản ở Q.2 nằm trong chuỗi chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa bà Phấn và ông Danh”

Phía luật sư Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cũng đồng tình với quan điểm của Viện KSND đối với 901 tỉ đồng mà tòa sơ thẩm buộc Phạm Công Danh phải bồi thường. Luật sư khẳng định các dự án đầu tư của bà Hứa Thị Phấn mới chỉ được chấp thuận, chưa được cấp giấy phép đầu tư, 901 tỉ đồng không phải là tiền đầu tư dự án mà là tiền Hứa Thị Phấn lợi dụng chiếm đoạt, vì vậy, cấp sơ thẩm buộc Phạm Công Danh phải “chịu thay” cho bà Phấn và hết sức vô lý.

Liên quan đến 6 BĐS (tương đương 2 ha) ở Q.2, theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho Phạm Công Danh, 6 BĐS này nằm ngoài 114 BĐS nhưng nằm trong chuỗi chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự giữa Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh, nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét giải quyết 6 BĐS này cho Phạm Công Danh.

Bên cạnh đó, luật sư của Phạm Công Danh cũng đề nghị HĐXX xem xét việc Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh không phải chịu trách nhiệm 756 tỉ đồng tiền lãi. Theo các luật sư, cấp sơ thẩm đã bỏ qua phương án tái cơ cấu TrustBank, trong đó thể hiện Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh không phải thanh toán tiền lãi của TrustBank khi tái cơ cấu ngân hàng; bỏ qua việc VNCB (tiền thân là TrustBank), Hội đồng quản trị CB đã ra nghị quyết về việc miễn lãi liên quan đến 29 khoản vay và được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận.

Đối đáp với các luật sư, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm đã nêu trước đó. Về khoản lãi 756 tỉ đồng, theo đại diện Viện KSND cấp cao, trong hợp đồng chuyển giao đã ký kết trước đó, Danh có nhiệm vụ phải trả các khoản lãi phát sinh. Mặc dù Phạm Công Danh có đề xuất miễn giảm khoản lãi, Ngân hàng Nhà nước đồng ý để VNCB tự quyết nhưng sau đó hội đồng quản trị ngân hàng không có quyết định gì liên quan đến khoản vay này. Vì vậy, việc tính lãi là đúng pháp luật.

Sau phần tranh luận, HĐXX thông báo sẽ tuyên án phúc thẩm vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thiệt hại cho TrustBank 1.338 tỉ đồng vào ngày 29.6 tới.

 

Phúc thẩm đại án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: Chuyển nhượng cổ phần không cần công chứng?

 







Thiết Kế Annual Report Vinamilk 2018

Dự án Báo Cáo Thường Niên Vinamilk 2018 do Memilus thiết kế và in ấn




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *