Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và quản trị DN cho rằng, trong bối cảnh sau đại dịch, phần lớn các DN của cả nước nói chung, Bình Thuận nói riêng đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, ngừng trệ xuất khẩu. Nhiều DN mất khả năng cân đối nguồn thu phải ngưng hoạt động.
Với tiềm năng về đất đai, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, nhất định Bình Thuận sẽ là nơi các dòng vốn đầu tư nước ngoài ngắm đến.TS. Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và quản trị DN (ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) |
Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn sau đại dịch Covid-19
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết công ty của ông là công ty nhà nước. Hiện cũng đang gặp khó khăn, nhất là đầu ra tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ. Sau đại dịch Covid-19, các thị trường càng thu hẹp nên đầu ra bị thu hẹp theo, khiến cho việc sản xuất bị ngưng trệ, hàng tồn kho nhiều, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của cán bộ và người lao động.
Thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp
Theo con số khảo sát của TS. Nguyễn Tấn Khuyên, năm 2019, Bình Thuận xuất khẩu trực tiếp đạt 442,23 triệu USD (tăng 6,73%); trong đó thị trường châu Á chiếm 66,08%, tăng tới 11,9%. Trong khi thị trường châu Âu chỉ chiếm 12%, giảm tới 17,64%. Trong khi đó, nhập khẩu đạt tới 900 triệu USD, tăng tới 20,8%.
Hiện nay, sau khi đại dịch bùng phát toàn cầu, việc xuất khẩu các mặt hàng, như nông sản, thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ở Bình Thuận có đặc sản nông nghiệp là trái thanh long xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nhưng theo thông tin của TS. Nguyễn Tấn Khuyên, trái thanh long của Thái Lan được bán tại châu Âu và Pháp lên tới 5 EUR/kg. Dù thanh long của Bình Thuận ngon nổi tiếng nhưng chỉ bán được 10- 20.000 đồng/kg.
Theo phân tích của ông Khuyên, việc xuất khẩu trái cây hiện nay vấp phải các biện pháp quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Các DN xuất khẩu chuyên về trái cây của Bình Thuận cần đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt chú ý đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng; không nên chỉ chú trọng vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
“Sức khỏe của các doanh nghiệp ở Bình Thuận chỉ trên trung bình”
Đó là khẳng định của TS. Hà Kiên Tân (Viện nghiên cứu chiến lược và Quản trị DN) sau khi thực hiện khảo sát trên 200 DN của Bình Thuận (bao gồm DN nhà nước và DN tư nhân, FDI). Kết quả cho thấy, có đến 89 % các DN cho rằng đại dịch Covid-19 có tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
TS. Hà Kiên Tân đưa ra nhận định, các DN tại Bình Thuận có sức chịu đựng còn yếu, chỉ trên mức trung bình, ở ngưỡng 5 mức cho phép. TS Hà Kiên Tân đề nghị các DN ở Bình Thuận cần thay đổi mô hình kinh doanh để tạo ra giá trị mới cho khách hàng.
Cần khai thác kinh tế biển, gắn với bảo vệ cảnh quan, thiên nhiênVề tiềm năng kinh tế biển của Bình Thuận, TS. Lê Cao Thanh cho rằng, Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, có tiềm năng nuôi trồng và khai thác thủy sản rất lớn. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có tiềm năng để phát triển thể thao biển, du lịch. Đặc biệt, bãi biển Mũi Né nổi tiếng cả thế giới về vẻ đẹp; cần được các DN du lịch khai thác ở nhiều khía cạnh, sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, về xu thế dịch chuyển dòng vốn quốc tế khỏi Trung Quốc, TS. Lê Cao Thanh cho rằng Việt Nam là một tiềm năng để đón dòng vốn dịch chuyển này. Ông Thanh cũng cho rằng Bình Thuận cần có giải pháp đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, cải cách thủ tục hành chính để đón các nhà đầu tư từ nước ngoài. “Với tiềm năng về đất đai, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, nhất định Bình Thuận sẽ là nơi các dòng vốn đầu tư nước ngoài ngắm đến”, TS. Lê Cao Thanh nhận định. Tuy nhiên, TS. Lê Cao Thanh cũng cho rằng các DN ở Bình Thuận sau Covid-19 còn vấp phải khó khăn từ sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nên khó khăn sẽ càng nhiều hơn. Muốn phát triển kinh tế bền vững, sau đại dịch Covid-19, các DN tại Bình Thuận phải biết kết hợp tăng trưởng với bảo vệ môi trường. Nhất là nền kinh tế biển phải linh hoạt, biết khai thác du lịch biển với bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên. Chính quyền Bình Thuận cần xác định xây dựng kinh tế biển, bao gồm du lịch biển; trở thành trục kinh tế chính trong tầm nhìn hội nhập quốc tế. Tăng cường các chuỗi giá trị hàng hóa từ thủy sản để xuất khẩu để thích ứng nhu cầu thị trường. |
Hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh… tạm nghỉTheo số liệu của Hiệp hội DN Bình Thuận, “hậu Covid-19” đến ngày 3.5, toàn tỉnh có 300 DN thành lập mới (giảm 11% so cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 139 DN, tăng tới 95% so cùng kỳ. Số lượng DN giải thể là 39 và thông báo giải thể là 54. Đến nay có 115 DN, hộ kinh doanh ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 4.705 DN, hộ kinh doanh tạm nghỉ. DN bị thiệt hại từ Covid-19 từ 70% trở lên là 182; DN thiệt hại từ 30 đến 70% doanh thu là trên 600. Doanh thu bị thiệt hại toàn tỉnh khoảng 4.800 tỉ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 27.100 người lao động mất việc làm. Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch tỉnh đón khoảng 1,4 triệu lượt khách, giảm 50,8% cùng kỳ năm trước. |
Hậu Covid-19, 'không nên chỉ chú trọng thị trường Trung Quốc'