Do đó, theo ông Nhân, các hoạt động kinh tế, du dịch cũng phải dần mở cửa, trong đó có thể đón du khách quốc tế trong tháng 5. Bí thư Thành ủy TP.HCM dự báo từ nay đến tháng 12.2020, Việt Nam có thể đón khoảng 6 triệu du khách. Do đó, thách thức lớn nhất phải đối mặt đó là kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 đối với các du khách.
Nhằm khôi phục kinh tế, vực dậy các doanh nghiệp ở TP.HCM, ông Nhân cho rằng cần phải thực hiện ngay các giải pháp ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ thu nhập cho người lao động, đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào các nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.
“Nếu ngăn chặn tốt dịch bệnh từ nước ngoài thì riêng thị trường nội địa cũng đã giúp duy trì sản xuất trở lại. Vừa gói hỗ trợ của Chính phủ, vừa gói hỗ trợ của thành phố để người lao động không phải bỏ việc”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, TP.HCM khuyến khích sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu. Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết sẽ triển khai mạnh mẽ đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10.2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp mới, Khu công nghệ cao giai đoạn 3, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mạnh dạn “xé rào”Tại tọa đàm, TS Trần Du Lịch cho biết năm 2008, TP.HCM có chính sách “nuôi nợ để đòi nợ” bằng việc khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khủng hoảng. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang nợ nần nhiều, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến phá sản. Do đó, TP.HCM cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp. “Nếu chỉ nói lý thuyết không thì ngân hàng thương mại không dám cho doanh nghiệp đang dính nợ xấu vay tiếp đâu”, ông Lịch nhận định. Cũng theo TS Trần Du Lịch, các quy định về đầu tư công hiện nay đang chồng chéo luật nên TP.HCM cần mạnh dạn “xé rào”, tất cả đều công khai, minh bạch, vì sự phát triển chung của thành phố. Bên cạnh đó, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ càng sớm càng tốt cho 300.000 tiểu thương là các hộ kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, TS Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM cũng cần xây dựng chương trình phục hồi hậu Covid-19, gồm 2 giai đoạn: Trong đó giai đoạn 1 là kiểm soát được dịch nhưng còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội có thể kéo dài đến hết năm và giai đoạn 2 gắn với phục hồi và tái cơ cấu nền kinh tế, lồng ghép vào kế hoạch 5 năm tới. |
Bí thư TP.HCM: 'Có thể đón 6 triệu khách đến Việt Nam vào cuối năm'