Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm: Có động cơ, vụ lợi gì trong giám định?

Nạn nhân N.T.B có giấy khai sinh ngày 2.1.2005, bị hiếp dâm ngày 17.11.2019 nhưng lần đầu giám định tuổi (đến thời điểm xảy ra vụ việc) cho kết quả nạn nhân đã trên 17 tuổi, giám định lần sau tuổi còn “trên 14 tuổi 9 tháng dưới 15 tuổi 4 tháng”.

Điều đáng nói, cả hai lần giám định trên đều do Trung tâm giám định pháp y TP.HCM (thuộc Sở Y tế TP.HCM) thực hiện. Căn cứ vào kết quả giám định độ tuổi của nạn nhân B. “trên 14 tuổi 9 tháng dưới 15 tuổi 4 tháng”, Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Quang (24 tuổi, quê Hậu Giang) để điều tra hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Giám định sai có thể bỏ lọt tội phạm

Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi gia đình nạn nhân có đơn tố giác Nguyễn Ngọc Quang hiếp dâm em B. mới hơn 14 tuổi (giấy khai sinh ghi ngày 2.1.2005), Cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh vào cuộc, trưng cầu giám định tới trung tâm giám định pháp y TP.HCM. Kết quả giám định của trung tâm, theo thông báo ngày 6.1.2020 của cơ quan điều tra, là: “Qua quá trình khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng chứng tỏ hiện tại đương sự N.T.B có độ tuổi từ trên 17 đến gần 17 tuổi 6 tháng.

Tại 19.11.2019, đương sự B. đã trên 17 tuổi”. Với việc nạn nhân đã trên 17 tuổi, nhiều khả năng Nguyễn Ngọc Quang “vô sự”.

Ngay sau khi nhận thông báo kết quả giám định, gia đình nạn nhân làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, báo chí, khẳng định tuổi của em B. chỉ mới hơn 14. Trong loạt bài Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm, Thanh Niên đã nêu ra nhiều chỉ dấu cho thấy độ tuổi em B. theo kết quả giám định là không chính xác. Cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh tiếp tục trưng cầu giám định và ngày 23.4 có thông báo kết quả giám định lại (ngày 11.3.2020), xác định: “Qua quá trình khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, chứng tỏ tại thời điểm giám định ngày 24.12.2019, đương sự N.T.B có độ tuổi trên 14 tuổi 10 tháng dưới 15 tuổi 5 tháng. Vào 17.11.2019 B. có độ tuổi trên 14 tuổi 9 tháng dưới 15 tuổi 4 tháng”. Trên cơ sở này, Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Quang để điều tra hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo một cán bộ Phân viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, một cơ quan giám định cho ra hai kết quả giám định khác nhau trong cùng vụ việc là vấn đề đáng lưu tâm. “Thường giám định về độ tuổi sai lệch số khoảng 3 – 6 tháng chứ không thể lệch vài tuổi như vậy”, ông này nói và nhấn mạnh: “Người giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định. Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.

Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm: Có động cơ, vụ lợi gì trong giám định ?1

Giấy khai sinh ghi rõ em N.T.B sinh 2.1.2005

ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Đồng quan điểm, luật sư (LS) Hoàng Hướng, Đoàn LS TP.Hà Nội, cũng cho rằng giám định độ tuổi của một cháu bé, cùng một trung tâm mà lại đưa ra 2 kết quả lệch nhau đến 3 tuổi “là một sự việc nghiêm trọng”. “Kết quả sai lệch sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc, có thể bỏ lọt tội phạm hoặc cũng có thể làm oan sai người vô tội. Trách nhiệm về sai sót nói trên trước hết thuộc về giám định viên, sau đó là của Trung tâm giám định pháp y TP.HCM”, LS Hướng nói, đồng thời cho rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng trong hoạt động giám định tư pháp hình sự, cần phải làm rõ nguyên nhân, lý do kết quả sai lệch. “Nếu do ý thức chủ quan làm sai lệch kết quả để vụ lợi về vật chất hay một động cơ mục đích vi phạm pháp luật nào đó thì cần mở cuộc điều tra và xử lý nghiêm”, LS Hướng nói.

Minh bạch sao phải né tránh ?

Liên quan đến kết quả giám định độ tuổi em B., vào tháng 2.2020, khi thực hiện loạt bài Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm, PV Thanh Niên đã liên hệ với Trung tâm giám định pháp y TP.HCM để làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm như phương pháp giám định, lấy mẫu, có hay không khuất tất trong giám định…, nhưng lãnh đạo trung tâm từ chối làm việc trực tiếp và yêu cầu gửi chất vấn bằng văn bản. Sau khi Thanh Niên có văn bản gửi tới trung tâm theo yêu cầu, ngày 21.2 trung tâm gửi văn bản trả lời, viện dẫn luật Giám định tư pháp, rằng: “Người giám định tư pháp có nghĩa vụ không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản… Do đó, Trung tâm giám định pháp y TP.HCM không giải đáp những vấn đề mà Báo Thanh Niên đã nêu trong công văn đến” (?).

Tương tự, chiều 24.4, PV Thanh Niên tiếp tục đến gặp lãnh đạo Trung tâm giám định pháp y TP.HCM để làm rõ vì sao có sự chênh lệnh kết quả quá xa trong cùng một vụ việc, hai lần giám định do 1 hay 2 giám định viên khác nhau thực hiện, những ai phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định lệch nhau và việc xử lý ra sao… thì đại diện trung tâm tiếp tục từ chối trả lời, vì “trung tâm chỉ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Về việc có hai kết quả giám định lệch nhau, LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội LS Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM, cho rằng trách nhiệm của Cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh và Trung tâm giám định pháp y TP.HCM phải trả lời cho người nhà nạn nhân và dư luận biết rõ. Còn TS Vũ Dương, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, lưu ý nếu một sự việc có kết quả giám định lần sau vênh với lần đầu thì cần tiếp tục trưng cầu giám định tiếp. “Tôi cho rằng, vụ việc này cần trưng cầu tiếp Viện Pháp y quốc gia, sau đó Bộ Y tế thành lập hội đồng giám định tiếp thì mới có kết quả chuẩn xác, đảm bảo tính khoa học và có cơ sở để cơ quan công an đánh giá có hay không việc khuất tất”, TS Vũ Dương nói và cho biết thêm ông khá bất ngờ khi cùng một cơ quan pháp y nhưng lại ra tới 2 kết quả khác nhau về cùng một vụ việc. “Nếu cùng một giám định viên làm thì sự việc là bất thường. Nhưng nếu khác giám định viên thì phải xem xét nhiều yếu tố khác nữa”, TS Vũ Dương nói.

Sở Y tế yêu cầu báo cáo

Liên quan 2 kết quả giám định quá lệch nhau trong cùng một vụ việc, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Trung tâm giám định pháp y TP chưa báo cáo vụ việc về cho Sở. Theo ông Thượng, trung tâm có quy định đặc biệt là làm việc trực tiếp với công an về chuyên môn liên quan mà không báo cáo sự vụ cho Sở Y tế; trung tâm chỉ báo cáo định kỳ cho Sở theo kế hoạch. “Sở Y tế sẽ giao Phòng Nghiệp vụ y tìm hiểu và yêu cầu trung tâm báo cáo bằng văn bản vụ việc báo phản ánh để Sở xem xét”, ông Thượng nói.

Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm: Có động cơ, vụ lợi gì trong giám định?

 







Thiết Kế Annual Report Vinamilk 2018

Dự án Báo Cáo Thường Niên Vinamilk 2018 do Memilus thiết kế và in ấn




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *