Đó là nội dung đáng chú ý của dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến.
Thống nhất 3 lực lượng, có tên gọi mới
Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau và đều do UBND cấp xã thành lập, cùng thực hiện một nhiệm vụ nên dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn.
Do đó, theo Bộ Công an, việc tổ chức lại các lực lượng này thành lực lượng với tên gọi chung sẽ góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy; kiện toàn lực lượng. Việc điều chỉnh thống nhất 3 lực lượng này sẽ khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi người dân rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ… nên rất cần phải có luật riêng quy định về lực lượng này.
Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay, lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 thành viên; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên còn lực lượng công an xã, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người.
Như vậy, tổng số lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cở trên cả nước sẽ khoảng 741.635 người.
Được bố trí nơi làm việc, sử dụng con dấu riêng
Theo dự thảo luật mà Bộ Công an công bố, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí ở thôn, làng, ấp bản, buôn, phum, sóc, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn. Chính phủ sẽ quy định khung số lượng lực lượng này.
Thành viên của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Tiền chi bồi dưỡng, hỗ trợ này do địa phương chi trả.
Dự thảo luật cũng quy định, UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng sẽ được trang bị hồ sơ, sổ sách và trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, dự thảo luật của Bộ Công an quy định Bộ Công an sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về quan hệ công tác, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ chịu sự lãnh đạo, điều hành, quản lý về tổ chức và chỉ đạo chung về công tác của Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự của cơ quan công an và tham gia phối hợp với công an xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Sẽ tổ chức gần 750.000 dân phòng, công an bán chuyên trách thành lực lượng mới