Phát biểu tại cuộc họp, về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao và nhất trí với các biện pháp mà Bộ NN-PTNT đưa ra, gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp. Bộ Công thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng cho hay đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân, trong bối cảnh khó khăn. Với giá dịch vụ viễn thông, tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.
Xem xét để nhà nước định giá sách giáo khoa
Đối với giá sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xem xét giảm giá hoặc cấp, không thu tiền sách giáo khoa với đối tượng thuộc hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các bộ GD-ĐT, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này cho phù hợp.
Với giá gạo, Bộ NN-PTNT được yêu cầu bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và Việt Nam có thể đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.
Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thủ tướng: Quản lý tốt khâu trung gian để giảm giá thịt lợn