Đây là một trong các quy định trong dự thảo thông tư nhằm triển khai Nghị định 59 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Bộ Quốc phòng đưa ra để lấy ý kiến.
Người thôi giữ chức vụ được quy định bao gồm thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước.
Theo dự thảo của Bộ Quốc phòng, sẽ có 5 lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội sẽ phải áp dụng quy định trên, gồm: kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, hậu cần, kỹ thuật; ngân hàng; thanh tra quốc phòng; doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý; nghiên cứu khoa học.
Các loại hình doanh nghiệp mà người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập hoặc giữ chức vụ sau khi thôi chức gồm: doanh nghiệp tư nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần; công ty hợp danh; hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Nghị định 59 của Thủ tướng Chính phủ chia các lĩnh vực thực hiện quy định quan chức sau khi về hưu không được mở hoặc giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp thành 4 nhóm, trong đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thuộc nhóm 3, được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ trưởng các bộ này tự quy định.
Các nhóm còn lại quy định thời gian quan chức sau khi thôi chức vụ không được mở công ty trong lĩnh vực mình quản lý từ 6 – 24 tháng.
Định kỳ 5 năm phải chuyển đổi vị trí công tác
Dự thảo thông tư mới của Bộ Quốc phòng cũng quy định chi tiết thời gian và danh mục các lĩnh vực công việc phải chuyển đổi công tác trong quân đội.
Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong quân đội là 5 năm (đủ 60 tháng) liên tục.
Về danh mục phải chuyển đổi, dự thảo quy định, cán bộ chỉ huy tham mưu mưu gồm các ngành: quân lực (quân số, chính sách, trang bị, tuyển sinh quân sự) từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; quân huấn – nhà trường (cấp phát các loại văn bằng, chứng chỉ; tuyển sinh, khảo thí, quản lý vật chất) đối với các nhà trường trong quân đội; hoạt động đối ngoại; phân bổ chỉ tiêu ngân sách các ngành chỉ huy tham mưu.
Cán bộ chính trị gồm các ngành: cán bộ (nhân sự, đào tạo, tuyển dụng), tuyên huấn (quản lý vật tư công tác đảng, công tác chính trị, thi đua khen thưởng), chính sách, bảo hiểm từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; phân bổ chỉ tiêu ngân sách các ngành công tác đảng, công tác chính trị.
Cán bộ hậu cần, tài chính gồm các ngành: hậu cần (thống kê, thanh quyết toán xăng, dầu, quân nhu, quân lương, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý doanh trại) từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; cấp giấy chứng nhận hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giám sát cung ứng các loại thuốc, dược liệu; phân bổ chỉ tiêu ngân sách ngành hậu cần; tài chính (kế hoạch ngân sách, quản lý ngân sách thường xuyên, quản lý vốn đầu tư, quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, quản lý tài sản công, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết, cấp phát thanh toán) từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên; thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; kế toán, thủ quỹ theo dõi vốn, ngân sách tại các doanh nghiệp có sử dụng vốn của nhà nước.
Cán bộ kỹ thuật gồm các ngành: quản lý, đăng kiểm các loại phương tiện; đăng ký phương tiện; cấp phát, đăng ký, bằng lái; phân bố chỉ tiêu ngân sách các ngành kỹ thuật.
Cán bộ khối thanh tra, điều tra, thi hành án, cửa khẩu thuộc các nhóm ngành, ngành: thanh tra viên; điều tra viên; trinh sát viên; cảnh sát viên (các lĩnh vực: kinh tế, chống tham nhũng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống tội phạm ma túy, tội phạm về môi trường và trật tự xã hội); thẩm tra viên thi hành án dân sự thuộc cơ quan quản lý thi hành án; phân bổ chỉ tiêu ngân sách các ngành thanh tra, điều tra, thi hành án; cán bộ cửa khẩu.
Ngoài ra, dự thảo quy định nhân viên thuộc nhiều nhóm ngành cũng phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Dự thảo cũng quy định, hành vi lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, nhân viên là hành vi bị nghiêm cấm.