Tìm 'thần chết' thời… 4.0: Cuộc 'đổ bộ' của robot

Việc rà phá vật liệu nổ sau chiến tranh được ví như đi tìm… “thần chết”. Nhưng trong thời đại công nghệ, cùng với sự đầu tư của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức chuyên rà phá bom mìn ở Việt Nam đã biến công việc “sởn gai ốc” này thành chuỗi hoạt động tỉ mỉ, chính xác, an toàn. Nhờ đó, nhiều mảnh đất ô nhiễm bom mìn trầm trọng nay đã dần… “xanh”.
Qua rồi thời nhân viên kỹ thuật ra hiện trường rà phá bom mìn với tay xẻng, tay máy rà. Một cuộc “đổ bộ” của các loại robot trong vài năm trở lại đây đã dần đẩy những nhân viên rà phá ra xa hiện trường và kéo công việc của họ ngày càng gần với sự an toàn tuyệt đối.

Ngồi làm việc cách hiện trường…vài trăm mét

Một ngày đầu tháng 6, với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), người viết được tiếp cận một hiện trường rà phá bom mìn tại thôn Hà Xá (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong, Quảng Trị), do Renew/NPA (tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bom mìn tại Quảng Trị, dưới sự tài trợ của Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy – NPA đang thực hiện. Đó là một khu rừng thông hàng chục ngàn mét vuông cần phải “làm sạch”.

Cận cảnh robot bọ cạp giúp con người tìm… thần chết

Sau các quy trình khai báo về nhóm máu, người thân cần báo tin khi có sự cố… người viết bước vào sâu trong hiện trường và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ngoài những cây thông mọc đều tắp cao vút thì nhiều cây bụi lớn nhỏ đổ rạp xuống tựa bình địa. “Tất cả là do “con” Bearcat (máy cắt cỏ cơ giới) nó làm đấy… Chỉ một mình nó thôi”, anh Mai Văn Việt, cán bộ quản lý hoạt động cấp tỉnh của Renew/NPA, một gã trai vạm vỡ, đeo kính đen khá ngầu, ghé vào tai tôi, nói đầy vẻ tự hào.

Theo anh Việt, việc cắt cỏ, dọn mặt bằng trong hoạt động rà phá bom mìn không đơn giản như cắt cỏ… làm vườn. “Đó là một công việc nặng nhọc và đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn khi các nhân viên phải trực tiếp dùng máy cắt cá nhân dò dẫm trên hiện trường. Rất dễ xảy ra các tình huống cắt trúng đá, thậm chí đụng phải vật liệu nổ… gây thương tích cho người thực hiện”, anh Việt cho biết.

Nhưng nỗi ám ảnh về tai nạn khi dọn mặt bằng trước khi tiến hành công tác rà phá đã được xóa bỏ cuối năm 2018, khi Bearcat được Renew/NPA đưa vào thử nghiệm. Theo tìm hiểu của người viết, Bearcat bản chất là một cái máy cắt cỏ cỡ lớn nhưng được điều khiển từ xa. Với động cơ 100 mã lực mang theo đầu cắt 2.000 vòng/phút, nó có thể nghiền nát nhiều loại cây bụi có đường kính dưới 20 cm, trong khi người điều khiển có thể ngồi cách khu vực Bearcat hoạt động hàng chục mét, thậm chí vài trăm mét. Các “con mắt” của Bearcat sẽ truyền hình ảnh về máy tính và người điều khiển chỉ cần nhìn vào đó để thao tác.

Tìm 'thần chết' thời... 4.0: Cuộc 'đổ bộ'	của robot1

“Bọ cạp” đang được nhân viên rà phá điều khiển

Nhìn Bearcat một mình “tả xung hữu đột” giữa bãi cây bụi um tùm, nhiều tầng lớp mới thấy “công lực” của nó thâm hậu đến thế nào. Không chỉ “hạ gục” cây, chiếc máy còn tự động xay nhỏ cành lá trước khi nhả chúng ra, xếp ngay ngắn dưới đất. Vì thế cứ mỗi hiện trường có Bearcat đi qua, nhân viên không cần phải dọn dẹp gì thêm, thuận tiện cho các đội rà phá bom mìn “đổ bộ” sau đó. Vậy nên, theo tính toán của các chuyên gia, từ 11.5 – 30.10, Bearcat dự kiến sẽ dọn sạch 175.000 m2 đất tại hiện trường thôn Hà Xá này, hiệu quả gấp 3 lần so với việc cắt dọn thủ công trước đây.

Để vận hành Bearcat, Renew/NPA lập hẳn một đội 6 người, đều được chuyên gia nước ngoài đào tạo. Nhân viên vận hành máy Bearcat Hoàng Anh Sơn cho biết công việc của anh dù chỉ ngồi một chỗ và bị anh em cứ trêu là “đang… chơi game”, nhưng thực tế đòi hỏi sự tập trung rất cao. “Lúc đang thao tác mà có người ngồi bên cạnh nói gì tôi cũng chả biết… Bởi lúc này tôi như đang “nhập” vào Bearcat, nó với tôi là một”, anh Sơn cho biết.
Sau một ngày làm việc mệt nhoài, Bearcat được đưa lên xe chuyên dụng để chở về đại bản doanh của Renew/NAP… nghỉ ngơi. Dù được ưu tiên “chế độ riêng”, có cả xe chuyên dụng đưa đón, nhưng chẳng ai tị nạnh với “siêu robot cắt cỏ”…

Siêu âm… lòng đất !

Scorpion (tiếng Việt nghĩa là con bọ cạp) là tên của một loại robot hiện đại chuyên rà phá bom mìn vừa được Tổ chức Renew/NPA đưa vào hiện trường thử nghiệm ở Quảng Trị từ tháng 5.2020.

Tìm 'thần chết' thời... 4.0: Cuộc 'đổ bộ'	của robot2

Hệ thống Scorpion gồm rất nhiều thiết bị đi kèm

Theo anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, Scorpion là một loại máy rà kim loại có ứng dụng công nghệ được sử dụng trong lĩnh vực rà phá bom mìn nhân đạo do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ. Máy dùng để đánh dấu một cách nhanh chóng nhiều tín hiệu cùng một lúc trong mỗi lượt dò, giúp lưu trữ các tín hiệu nghi ngờ ở độ sâu khác nhau để có thể phân tích, quyết định công tác xử lý bom mìn phù hợp. “Dài dòng như vậy nhưng hiểu nôm na, nó như một cái máy siêu âm. Trong y tế thì để siêu âm cơ thể, còn ở đây, Scorpion siêu âm… lòng đất, xem ở đó có kim loại, vật liệu nổ hay không”, anh Vũ cho biết.

Để “thuần phục” được “robot bò cạp”, chuyên gia nước ngoài đã phải tập huấn gần 6 tuần và chỉ có 11 nhân sự ưu tú của Renew/NPA mới được tiếp cận công nghệ này. Tại hiện trường rà phá ở thôn Thuận Đầu (xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị), người viết đã có cơ hội chứng kiến Scorpion trổ tài. Khác với hiện trường máy cắt cỏ, ở đây, ngoài khai báo các thông tin cá nhân, người viết được yêu cầu tắt máy điện thoại với khuyến cáo sóng di động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Scorpion. Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ giám sát hoạt động hiện trường của Renew/NPA cho biết diện tích mà “bọ cạp” phải “siêu âm” tại vị trí này là 634.590 m2, thời gian từ 27 – 30.7. “Chúng tôi có một đội gồm 6 người để “phục vụ” cho Scorpion làm việc. Thời gian từ 5 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Chỉ nghỉ vào ngày mưa, giông, sấm chớp… vì “bọ cạp” không thực hiện được nhiệm vụ trong điều kiện này”, chị Thủy cho hay.

Thị phạm hoạt động của “bọ cạp” trên hiện trường là một vùng cát mênh mông, cây bụi thưa thớt và giữa cái nóng trên dưới 38 độ C, anh Mai Văn Việt cho biết hệ thống rà bom mìn hiện đại này ngoài một “con bọ cạp” (vốn là một khung máy chính được gắn vào xe đẩy, đồng bộ với thiết bị định vị D-GPS) còn có nhiều thiết bị đi kèm, gồm: gậy xác định vị trí D-GPS, các trạm thu phát sóng dữ liệu rà và định vị D-GPS, máy tính tích hợp phần mềm phân tích tín hiệu, smart phone…

Khi “bọ cạp” được đẩy qua khu vực cần rà, nó sẽ thu thập dữ liệu để đưa về máy tính xử lý. Những dữ liệu này có độ chính xác rất cao, có thể lưu trữ để phân tích nhiều lần. Tuy nhiên, “bọ cạp” vẫn có nhược điểm khó khắc phục. Đó chính là chỉ hoạt động tốt ở bình địa, còn nơi đồi dốc, mấp mô thì rất khó triển khai. Kèm với đó là thiết bị nhiều, phức tạp, muốn vận hành phải có kỹ năng… (còn tiếp)

Vẫn còn mang tính thử nghiệm

“Việc đưa vào sử dụng Scorpion và cả Bearcat mới chỉ mang tính thử nghiệm. Nhà sản xuất rất muốn thông qua nhà tài trợ để nhận được sự phản hồi từ chúng tôi, những người trực tiếp vận hành robot ở hiện trường, để cải tiến chúng đến gần hơn với sự hoàn thiện. Cá nhân tôi cho rằng việc đưa robot vào hiện trường rà phá bom mìn là một điều tất yếu trong tương lai. Tất cả để đảm bảo an toàn cho con người”, anh Đinh Ngọc Vũ nhấn mạnh.

Tìm 'thần chết' thời… 4.0: Cuộc 'đổ bộ' của robot

 







Thiết Kế Annual Report Vinamilk 2018

Dự án Báo Cáo Thường Niên Vinamilk 2018 do Memilus thiết kế và in ấn




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *