Sau khi sắp xếp lại, TP.HCM còn 19 cơ quan báo chí trực thuộc, bao gồm: 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 7 tờ báo (bao gồm 2 tờ báo tôn giáo là Báo Giác ngộ và Báo Công giáo và Dân tộc) và 10 tạp chí; trong số 8 cơ quan bị giảm thì có 6 cơ quan chuyển thành ấn phẩm phụ và 2 cơ quan chuyển thành bản tin.
Đại diện một số cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí nói trên cho rằng thời gian nộp hồ sơ chỉ còn hơn 1 tháng nhưng khối lượng công việc lại khá lớn nên đề nghị gia hạn thời gian nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của TP.HCM cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình, nhân sự, biên chế để giúp các đơn vị thực hiện thống nhất.
Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT cho biết TP.HCM sẽ lập tổ công tác gắn chặt với từng cơ quan báo chí (trực thuộc TP.HCM) thuộc diện sắp xếp lại để lắng nghe, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các sự việc phát sinh. Về nhân sự lãnh đạo của các cơ quan báo chí (thuộc TP.HCM) sau khi sáp nhập, ông Từ Lương cho biết bao gồm 1 tổng biên tập và không quá 6 phó tổng biên tập. Các tờ báo, tạp chí thuộc diện sáp nhập sẽ giữ nguyên tên gọi, thay đổi mô hình hoạt động thành ấn phẩm phụ.
Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết trước khi ban hành đề án, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp 3 lần để lắng nghe, có ý kiến về việc sắp xếp lại cơ quan báo chí (trực thuộc TP.HCM). Ông Minh thông tin, đề án sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là thông tin về chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc sắp xếp lại cũng sẽ giúp các cơ quan báo chí trực thuộc TP.HCM chuyên nghiệp và uy tín hơn, giúp bạn đọc tiếp cận thông tin chính xác, chính thống. Trước các đề xuất gia hạn thời điểm thực hiện sáp nhập, ông Minh cho biết Ban Tuyên giáo và Sở TT-TT sẽ tiếp thu và báo cáo Thành ủy, UBND TP và Bộ TT-TT.
Nhiều cơ quan báo chí trực thuộc TP.HCM xin gia hạn thời điểm sáp nhập