Thứ 2, 26/12/2016
2211
Năm 2016 là một năm bận rộn với các nhà thiết kế khi hàng loạt công ty, tổ chức thiết kế lại thương hiệu của mình để đón chờ một làn sóng phát triển mới. Bài viết sau đây sẽ mang đến cho các bạn 10 thương hiệu thiết kế lại được đánh giá tốt nhất, tệ nhất và gây tranh cãi nhát trong năm 2016 vừa qua.
Tốt nhất
1. Grubhub
Grubhub là công ty cung cấp dịch vụ đặt đồ ăn qua điện thoại và internet có trụ sở tại Chicago, Mỹ. Nắm giữ liên kết giữa 44.000 nhà hàng tại 1000 thành phố với 7 triệu người khách hàng tại hơn 10 quốc gia, đã đến lúc doanh nghiệp 12 tuổi này cần một hệ thống nhận diện thương hiệu trưởng thành hơn: Đó là một thiết kế cần thể hiện sự chân thực, chuyên nghiệp và đáng tin cậy trong khi phải phù hợp ở cả mức độ địa phương và xuyên quốc gia. Là kết quả của sự hợp tác với công ty thiết kế Wolff Olins, nhìn chung nhận diện thương hiệu mới khá tươi trẻ và chuyên nghiệp, đồng thời giữ lại được một số nét sắc cạnh của nghệ thuật cắt giấy trong biểu tượng trước kia.
2. MasterCard
Biểu tượng thương hiệu của công ty thẻ thanh toán lớn thứ hai thế giới MasterCard đã không thay đổi đáng kể trong 20 năm qua. Được giao nhiệm vụ thay đổi thiết kế lần này là nhà thiết kế Hamish Smyth và công ty Pentagram. Bằng việc giữ lại các vòng tròn màu vàng và màu đỏ được xếp chồng quen thuộc, họ đã không thay đổi mạnh mẽ chúng như các biểu tượng khác. Thay vào đó, họ chọn việc hiện đại hóa thương hiệu bằng cách loại bỏ sự đan cài ở trung tâm và đưa phần chữ ra bên ngoài biểu tượng. Với việc chỉ sử dụng các hình ảnh quen thuộc và không dùng chữ, thiết kế mới đủ linh hoạt để hiển thị tốt trên nhiều sản phẩm và nền tảng khác nhau, đặc biệt trên điện thoại di động – nơi phát sinh của phần lớn giao dịch trong những năm gần nay.
3. Helia
Đôi khi một công ty ít tên tuổi lại có những thiết kế thương hiệu cực kì xuất sắc. Đó là trường hợp với Helia, một công ty chuyên về nghiên cứu và phân tích số liệu cho Unilever, easyJet, IBM, Diageo, và Sony PlayStation. Được thiết kế bởi công ty From&, thương hiệu của công ty là một hình tròn đơn giản với gradient màu thay đổi dựa vào thời tiết và dữ liệu địa lý. Bằng cách đó, màu sắc đã trở thành một công cụ đánh dấu dữ liệu độc đáo, thể hiện đặc trưng phân tích dữ liệu của công ty.
4. Instagram
Hồi tháng năm, Instagram đã làm rất nhiều người sốc khi sử dụng một phiên bản đầy màu sắc của biểu tượng Polaroid thay vì sử dụng hình ảnh mô phỏng vật thật (skeuomorphic) như trước kia. Điều này phản ánh quá trình tiến hóa của nhiếp ảnh từ máy ảnh phim đến điện thoại, và gradient cầu vồng làm nó nổi bật hơn trong một rừng các biểu tượng tương tự. Và không ngạc nhiên khi sự thắc mắc mọi người nhanh chóng giảm xuống. Bây giờ mỗi khi có nhu cầu chụp ảnh, ngón tay của bạn sẽ theo bản năng hướng về phía biểu tượng mới mà không cần phải lướt tìm trong danh sách các ứng dụng như trước kia.
5. Zendesk
Nhà cung cấp phần mềm dịch vụ khách hàng Zendesk đã có một sự thay đổi toàn diện trong thiết kế thương hiệu của mình. Từ hình ảnh một Đức Phật đeo tai nghe trò chuyện và nở nụ cười, nhóm thiết kế của Zendesk đã chuyển thành một nhóm các tổ hợp đẹp mắt của các khối hình cơ bản. Mỗi dịch vụ của Zendesk là một tổ hợp riêng và xuyên suốt chúng là sự hài hước khi chúng chuyển động. Ví dụ biểu tượng của Trung tâm trợ giúp là hai mũi tên, còn biểu tượng Hỗ trợ là một hình chữ nhật cao bên cạnh một hình ngắn hơn. Khi nhìn kĩ, bạn sẽ thấy chúng rất quen thuộc: Nó được lấy cảm hứng từ các khối đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em tại đất nước Đan Mạch – nơi nhà sáng lập sinh ra.
6. Zocdoc
Hệ thống chăm sóc sức khỏe Zocdoc ra mắt vào năm 2007 với biểu tượng chữ Z cổ điển được mua với giá 80$. Năm qua, doanh nghiệp 1,8 tỉ đô la này đang nhanh chóng mở rộng để kết nối bệnh nhân với hệ thống bệnh viện và các bác sĩ, và ban giám đốc thấy cần một biểu tượng mới mẻ hơn. Công ty Wolff Olins đã thiết kế lại, biến chữ Z thành gương mặt của một con người thân thiện với các cặp dấu thể hiện cảm xúc vui vẻ, bối rối, buồn, nhẹ nhõm, hạnh phúc. Biểu tượng lúc này được gọi là Zee và các Zee đã phần nào giải tỏa cảm xúc tiêu cực trong bạn khi giải quyết vấn đề sức khỏe của mình.
7. VSCO
Ứng dụng chỉnh sửa ảnh VSCO đã được thiết kế lại hoàn toàn trong năm qua với phần giao diện người dùng ra mắt vào tháng Sáu và nhận dạng trực quan xuất hiện từ đầu tháng Hai. Việc thiết kế lại sử dụng một biến thế của kiểu chữ VSCO Gothic và một hệ thống biểu tượng cảm xúc được lấy cảm hứng từ các mẫu tự trong bảng chữ cái. Biểu tượng mới có hình tròn là hiện thân của cộng đồng toàn cầu đã và đang sử dụng các ứng dụng VSCO không chỉ để chỉnh sửa, mà còn chia sẻ ảnh với mọi người. Hiện nay, VSCO giống như một Instagram dành cho họa sĩ với một lượng không nhỏ người dùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh cả chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Gây tranh cãi nhất
8. The Met
Năm nay, giải thưởng thiết kế lại gây tranh cãi nhất đến từ Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. Với tên gọi “The Met”, thương hiệu đã nhận được sự thất vọng của nhiều nhà phê bình thiết kế. Hai từ với màu đỏ được xếp chồng lên nhau, thay thế chữ M cách điệu lấy từ một tranh khắc gỗ của Luca Pacioli. Wolff Olins đã đảm nhận thiết kế nhưng việc triển khai đã thất bại khi bảo tàng gửi biểu tượng mới cho báo chí trước khi nó được công bố. Mặc dù nhiều nhà phê bình thích phán xét nó một cách gay gắt nhưng phải công nhận là nó khá độc đáo. Chúng tôi thích những thiết kế táo bạo, và chúng tôi rất vui mừng khi nó đã đứng trên bàn cân một thời gian dài kể từ khi được sinh ra.
Tệ nhất
9. Uber
Khi ra mắt hồi tháng hai, biểu tượng mới của Uber đã bị nhạo báng rộng rãi bằng những cái tên như Pacman lộn ngược hay hậu môn màu xanh. Tạp chí Wired đã thực hiện một phỏng vấn dài để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và hóa ra Giám đốc điều hành Uber, Travis Kalanick, đã tự thiết kế vì ông không tin tưởng bất kì ai làm điều này. Và điều này thực sự là thảm họa bởi nó rất khó để sử dụng. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp tốt hơn, chu đáo hơn của Instagram, người người thấy biểu tượng mới của Uber gây tranh cãi nhanh chóng thấy nó bình thường, đặc biệt là những ai sử dụng chúng thường xuyên thì việc lựa chọn nó đã trở thành vô thức.
10. Trump-Pence
Vâng, tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng đây là thiết kế thương hiệu tồi tệ nhất của năm. Chúng tôi đã không muốn đưa thiết kế này lên, nhưng không có một thiết kế nào có thể làm biểu tượng Trump-Pence mất giải thưởng. Hình ảnh động trên đã nói lên tất cả, dù bộ lọc của Twitter nói rằng nó khá tốt. Đó là một sự nhạo báng trực tuyến và đã có một làn sóng để yêu cầu thay đổi chúng. Biểu tượng của chiến dịch tranh cử rốt cục đã được thay đổi nhưng đã quá muộn. Hình ảnh này sẽ được in sâu trong tâm trí của chúng tôi mãi mãi. Với sự chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi, bạn sẽ muốn giữ GIF này như một kỉ vật thời gian.